APdẫn lời một quan chức Trung Quốc ngày 9/3 cho biết, chiếc tàu chở hàng Grand Karo của Triều Tiên đã có mặt tại khu vực cảng Nhật Chiếu ở Tây Bắc Trung Quốc được vài ngày nhưng vẫn chưa được cập cảng.

tau_cho_hang_foyh.jpg
Một tàu chở hàng cập cảng Triều Tiên. Ảnh Reuters

Tàu Grand Karo nằm trong số 31 tàu của Triều Tiên bị Bộ Giao thông Trung Quốc đưa vào “danh sách đen” sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tuần trước đã công bố các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên. Hiện tàu Grand Karo đang hạ neo cách cảng Nhật Chiếu khoảng 35km. 

Tàu Grand Karro thuộc sở hữu của Công ty vận tải Yuanyao Shipping và hiện do Công ty Aoyang Marine quản lý. Đây là hai công ty đăng ký hoạt động tại Hong Kong (Trung Quốc). 

“Những người điều hành chiếc tàu này sẽ phải quyết định xem họ sẽ làm gì. Thông thường, nếu một chiếc tàu của Triều Tiên không nằm trong danh sách lệnh trừng phạt chuẩn bị vào cảng, các quan chức tại cảng sẽ liên lạc với cấp trên để nhận chỉ thị về việc có cho tàu cập cảng hay không”, quan chức cảng Nhật Chiếu cho biết. 

Trước đó, theo Reuters, ít nhất 2 tàu khác của Triều Tiên cũng đã phải rời đi sau khi không được phía Trung Quốc cho cập cảng. 

Ngoài ra, một chiếc tàu của Triều Tiên, cũng đã bị Philippines cấm rời khỏi nước này cho đến khi những sai phạm về an toàn hàng hải mà Philippines phát hiện ra được giải quyết triệt để. 

Trong một diễn biến liên quan, Chính phủ Hàn Quốc ngày 9/3 đã tuyên bố sẽ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào 40 cá nhân và 30 công ty bị tình nghi có liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên cũng như sẽ cấm các tàu từng cập cảng Triều Tiên trong vòng 180 ngày được vào Hàn Quốc. 

“Chúng tôi sẽ mở rộng các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, bao gồm 38 cá nhân và 24 công ty chịu trách nhiệm phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt cho Triều Tiên và 2 cá nhân cùng 6 công ty của các nước thứ 3 được cho là ủng hộ gián tiếp cho Triều Tiên”, phía Hàn Quốc tuyên bố. 

Những cá nhân thuộc nước thứ 3 chịu lệnh trừng phạt của Triều Tiên bao gồm một công dân Singpore và Đài Loan (Trung Quốc) đứng đầu một công ty vận tải và công ty thương mại. 

Ngoài ra, một công ty vận tải của Thái Lan là Mariner's Shipping & Trading và một công ty của Đài Loan (Trung Quốc) là Royal Team cũng bị Hàn Quốc liệt vào “danh sách đen”. 

Những cá nhân và tổ chức nói trên sẽ bị cấm thực hiện các giao dịch tài chính với các công ty của Hàn Quốc và tài sản của họ tại Hàn Quốc sẽ bị phong tỏa. 

Công ty vận tải Mariner's Shipping & Trading có trụ sở tại Bangkok và có làm ăn với Công ty Ocean Maritime Management của Triều Tiên vốn bị liệt vào danh sách đen cùng với 31 tàu mà công ty này đang sở hữu. Trong khi đó, công ty Royal Team được cho là bán những bộ phận để Triều Tiên sử dụng để chế tạo tên lửa tầm xa và phóng vào năm 2012.

Theo Reuters, trong số 31 tàu bị liệt vào “danh sách đen” có tới 19 tàu đã tắt Hệ thống nhận diện tự động (AIS)- một trong những hệ thống bắt buộc phải lắp đặt trên các tàu để theo dõi hoạt động của các tàu này. Một số tàu chỉ mới vừa tắt trong vài ngày qua trong khi nhiều tàu khác đã không bật hệ thống này từ năm 2014. 

Trong số này, tàu Hui Chon hiện đang neo đậu tại cảng Vostochny thuộc vùng Viễn Đông Nga. 8 chiếc tàu khác hiện vẫn đang hoạt động.

 Tàu Dawnlight (giờ mang tên First Gleam) đã lên đường về cảng Wosan (Triều Tiên) sau khi neo đậu ở khu vực cửa sông Dương Tử gần Thượng Hải cho đến tận sáng 8/3. 

Tàu Ever Bright 88, thuộc quyền sở hữu và quản lý của các công ty Hong Kong (Trung Quốc) là Pantech Shipping và Baili Shipping & Trading cũng đã lên đường về Triều Tiên sau khi nhổ neo ở Trung Quốc./.