Bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Đức, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga, Tổng thống Vladimir Putin, ngày 7/7, đã có cuộc gặp chính thức đầu tiên kể từ khi ông Trump lên nắm quyền. Thu hút sự chú ý của dư luận không chỉ tại Mỹ và Nga, cuộc gặp quan trọng này này còn là tâm điểm của truyền thông toàn cầu.

Theo giới chức ngoại giao Mỹ, trong cuộc hội đàm kéo dài trong hơn 2 giờ tại Hamburg, Đức, ngày 7/7, lãnh đạo hai nước đã thảo luận rất nhiều vấn đề, trong đó tập trung vào giải pháp tháo gỡ bế tắc cho cuộc chiến tại Syria cũng như về cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái.

bn_kr853_noonan_m_20151009140657_1481763857541_ttnc.jpg
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: WSJ)

Trước phiên hội đàm chính thức, cả Tổng thống Mỹ và Nga đều bày tỏ thái độ tích cực với cuộc gặp này và giành cho nhau những lời tốt đẹp nhất. Về phía Mỹ, Tổng thống Trump đã bày tỏ hân hạnh được gặp ông Putin và hy vọng vào những điều tốt đẹp phía trước: “Tổng thống Putin và tôi đã và đang thảo luận rất nhiều vấn đề. Chúng tôi sắp hội đàm và chắc chắn sẽ tiếp tục có các cuộc hội đàm trong thời gian tới. Chúng tôi hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến với nước Nga, đến với Mỹ và với tất cả những ai liên quan”.

Đổi lại, lãnh đạo Nga cũng khẳng định những cuộc điện đàm không bao giờ là đủ để giải quyết các vấn đề song phương cũng như đa phương: “Thưa ngài Tổng thống, chúng ta đã có nhiều cuộc điện đàm về các vấn đề song phương và quốc tế quan trọng. Tất nhiên, điện đàm thì không bao giờ là đủ. Nếu muốn có kết quả tích cực trong các vấn đề này thì chúng ta cần phải có các cuộc gặp cá nhân trực tiếp. Tôi rất hân hạnh được gặp ngài Tổng thống và như ông đã nói, tôi hy vọng rằng cuộc hội đàm sẽ mang lại các kết quả tích cực”.

Mặc dù chưa được công bố chính thức, nhưng giới chức ngoại giao cả Mỹ và Nga đều xác nhận, nội dung chính được thảo luận trong cuộc gặp lần đầu tiên này tập trung vào cáo buộc can thiệp bầu cử tại Mỹ, khủng hoảng tại Syria và Ukraine, chủ nghĩa khủng bố toàn cầu cũng như căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Về cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ, ông Trump nêu vấn đề này ngay đầu phiên hội đàm, tuy nhiên, lãnh đạo Nga đã phủ nhận có liên quan. Về Syria, lãnh đạo hai nước nhất trí xúc tiến một lệnh ngừng bắn tại khu vực tây nam nước này, bắt đầu có hiệu lực từ trưa Chủ nhật, ngày 9/7. Đối với chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, lãnh đạo hai nước dường như có quan điểm khá khác biệt về giải pháp đối phó. Tổng thống Trump cho rằng, các hành động của Triều Tiên vừa qua khiến căng thẳng leo thang và cần phải giải quyết ngay lập tức. Trong khi đó, Nga bày tỏ sự thận trọng, phản đối áp đặt thêm các lệnh trừng phạt và phải giải quyết vấn đề này một cách thực tế và khéo léo.

Một số chuyên gia Mỹ và dư luận nước này cho rằng, cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước là bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Nga - Mỹ, mang lại động lực tích cực cho quan hệ hai nước thời gian tới, ít nhất là trong giải quyết các điểm nóng như Syria, Ukraine, hay Triều Tiên. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, trong chính giới Mỹ, quan điểm phản đối Nga vẫn đang chiếm ưu thế. Đồng thời, chính bản thân Tổng thống Trump và nhiều quan chức Mỹ vẫn đang vướng vào cáo buộc Nga can thiệp bầu cử. Chính vì thế, việc thúc đẩy mối quan hệ tích cực với Nga không phải là điều dễ dàng cho chính quyền Tổng thống Trump./.