Các Bộ trưởng trong Chính phủ Đức đã phản ứng giận dữ sau khi có thông tin nói rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cố gắng thuyết phục các nhà khoa học Đức hợp tác để Mỹ có giấy phép sản xuất độc quyền vaccine chống virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch bệnh Covid-19.

vaccine_fdcc.jpg
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn khẳng định công ty CureVac sẽ chỉ phát triển vaccine cho toàn thế giới chứ không sản xuất riêng cho nước nào. Ảnh minh họa: AFP/Getty.

“Đức không phải để bán”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier nói với đài truyền hình ARD khi được đề nghị bình luận về thông tin đăng tải trên trang nhất của tờ Welt am Sonntag với dòng tít: “Trận đấu giữa Trump và Berlin”.

Tờ báo này cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị chi 1 tỷ USD cho công ty dược phẩm sinh học CureVac, có trụ sở tại bang Thuringia để đảm bảo rằng công ty này chỉ sản xuất vacccine chống Covid-19 cho Mỹ.

Chính phủ Đức được cho là đang cung cấp các ưu đãi tài chính để giữ vaccine chống Covid-19 ở lại trong nước.

Thông tin nói trên đã thổi bùng lên sự giận dữ ở Berlin. Erwin Rueddel, một nhà lập pháp bảo thủ trong ủy ban y tế của Quốc hội Đức nói: “Trong bối cảnh hiện nay, sự hợp tác của cộng đồng quốc tế là quan trọng chứ không phải lợi ích của riêng quốc gia nào cả”.

Christian Lindner, lãnh đạo đảng FDP tự do thì cáo buộc ông Trump đang sử dụng đề nghị độc quyền vaccine như đòn thúc đẩy chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ sắp tới: “Rõ ràng là ông Trump sẽ sử dụng bất kỳ phương tiện nào có thể trong chiến dịch tranh cử của mình”.

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cũng đã lên tiếng bác bỏ khả năng chính quyền Tổng thống Trump có thể độc quyền sản phẩm vaccine của CureVac. Ông Spahn khẳng định CureVac sẽ chỉ phát triển vaccine cho toàn thế giới chứ không sản xuất riêng cho nước nào.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, số ca nhiễm trên toàn thế giới ngoại trừ Trung Quốc đã vượt mốc 88.000 trường hợp. Trong khi đó, con số này ở riêng Trung Quốc đại lục tính đến ngày 16/3 là 80.860 trường hợp. Số ca tử vong bên ngoài Trung Quốc cũng tăng vọt lên 3.305 người, trong khi Trung Quốc đại lục tính đến cùng ngày đã ghi nhận 3.213 bệnh nhân qua đời vì mắc Covid-19. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở thành phố Vũ Hán vào tháng 12/2019 đến ngày 16/3, tổng số ca nhiễm trên toàn thế giới đã vượt mốc 169.000 người, trong đó có hơn 6.500 ca tử vong vì nhiễm virus corona.

Trong một cuộc họp báo hôm 15/3 (theo giờ địa phương), Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer khi được hỏi về thông tin liên quan đến vụ việc cho biết: “Tôi chỉ có thể nói rằng hôm nay tôi đã vài lần nghe đến chuyện này từ các quan chức Chính phủ và chúng tôi sẽ thảo luận về vấn đề đó trong ngày mai”.

Một quan chức Mỹ hôm qua nói với AFP rằng thông tin đã bị “thổi phồng quá mức”. Vị quan chức này khẳng định: “Chính phủ Mỹ đã làm việc với nhiều công ty [hơn 25 công ty] tuyên bố rằng họ có thể giúp sản xuất vacccine. Hầu hết những công ty này đã nhận được nguồn vốn ban đầu từ các nhà đầu tư Mỹ”.

Vị quan chức giấu tên cũng phủ nhận việc Mỹ đang tìm cách giữ bất kỳ loại vaccine tiềm năng nào cho riêng mình, khẳng định Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với bất kỳ công ty nào tuyên bố có thể giúp đỡ sản xuất vaccine. Vị này nêu rõ, bất kỳ giải pháp nào khi khả thi sẽ được chia sẻ cho thế giới.

CureVac, được thành lập năm 2000, có trụ sở tại bang Thuringia của Đức và có văn phòng ở Frankfurt và Boston. Công tỵ tự quảng cáo là chuyên về phát triển các phương pháp điều trị chống ung thư, các liệu pháp dựa trên kháng thể, điều trị các bệnh hiếm gặp và sản xuất vaccine dự phòng.

Phòng thí nghiệm của công ty đang làm việc song song với Viện Paul-Ehrlich, liên kết với Bộ Y tế Đức.

Tuần trước, công ty đã bí mật thông báo việc Giám đốc điều hành của CureVac Daniel Menichella được thay thế bởi Ingmar Hoerr, chỉ vài tuần sau khi Menichella gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump, Phó Tổng thống Mike Pence và đại diện của các công ty dược phẩm ở Washington.

Trước đó, CureVac dẫn lời Menichella đăng trên trang web của công ty ngay sau chuyến thăm Mỹ cho biết: “Chúng tôi tự tin rằng chúng tôi sẽ có thể phát triển một loại vaccine như ‘một ứng cử viên sáng giá’ [trong lựa chọn vaccine điều trị Covid-19-ND] trong vài tháng”.

Hôm qua (15/3), các nhà đầu tư của CureVac cho biết họ sẽ không bán vaccine cho chỉ một nước đơn lẻ.

Trong một tuyên bố, Dietmar Hopp, người đứng đầu nhà đầu tư chính của công ty dievini Hopp BioTech cho biết: “Nếu chúng tôi thành công trong việc phát triển một loại vaccine hiệu quả thì nó sẽ giúp và bảo vệ mọi người trên toàn thế giới”.

Bộ trưởng kinh tế của Đức Peter Altmaier đã lên tiếng hoan nghênh và gọi đó là một quyết định tuyệt vời.

Ông Altmaier cũng chỉ ra rằng Chính phủ có quyền xem xét kỹ lưỡng đối với các vụ việc để cho nước ngoài tiếp quản: “Tại những nơi có cơ sở hạ tầng quan trọng liên quan đến lợi ích quốc gia và lợi ích của châu Âu, chúng tôi sẽ hành động nếu buộc phải làm như vậy”./.