Ngày 20/11, Triều Tiên lại gây sóng gió trên bán đảo Triều Tiên khi cảnh báo đang xúc tiến vụ thử hạt nhân mới, động thái được cho là nhằm đáp trả việc Liên Hợp Quốc đòi đưa nước này ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) vì những cáo buộc nhân quyền.

Tuyên bố đe dọa sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân mới của Triều Tiên được đưa ra trùng khớp với thời điểm hình ảnh vệ tinh cho thấy, Bình Nhưỡng có thể đang vận hành cơ sở tái chế plutonium cấp độ vũ khí. 

dien_tapdien_tap_1_vtew.jpgBuổi diễn tập quy mô lớn của các đơn vị quân đội Triều Tiên  (Ảnh: TTXVN)

Những hình ảnh của Viện Mỹ-Triều tại Đại học Johns Hopkins công bố cho thấy, hơi nước bốc lên từ nhà máy tái chế tại khu tổ hợp chính Yongbyon - dấu hiệu phù hợp với việc bảo trì và thử nghiệm trước khi bắt đầu hoạt động.

Ngoài ra, lò phản ứng này dường như đã bị đóng cửa khoảng 10 tuần, lâu hơn thời gian bảo trì thông thường. Viện nghiên cứu Mỹ - Hàn phỏng đoán Triều Tiên đang thay thế một lượng nhỏ các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng và bắt đầu tái chế nó.

Qua những hình ảnh này, nhiều nhà phân tích cho rằng, Bình Nhưỡng dường như đã sẵn sàng vụ thử hạt nhân thứ 4, sau 3 vụ thử năm 2006, 2009 và 2012. Đây là kết cục được dự đoán bởi tại cuộc bỏ phiếu hôm 19/11, với 111 phiếu thuận, 19 phiếu chống và 55 phiếu trắng, Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Hội đồng bảo an đưa Triều Tiên ra Tòa án hình sự quốc tế với những cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người.

Bình Nhưỡng ngay lập tức phản ứng gay gắt với dự thảo nghị quyết này khi khẳng định sẽ không ngừng tiến hành vụ thử hạt nhân mới. Phía Triều Tiên còn miêu tả nghị quyết do Liên Hợp Quốc phê chuẩn là “gian dối” và cáo buộc Mỹ âm mưu làm bẽ mặt Bình Nhưỡng trước cộng đồng quốc tế, đồng thời ra tuyên bố bác nghị quyết này.

Ông Pak Hui Chol-Phó giáo sư trường Đại học luật Kim Il Sung của Triều Tiên nhận xét: "Nghị quyết về nhân quyền được Mỹ thông qua chống lại nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Mỹ đã vi phạm các thủ tục tố tụng theo luật quốc tế. Chúng tôi không thể chấp nhận nghị quyết do Mỹ tạo ra này”.

Ngay sau tuyên bố của Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cảnh báo, Triều Tiên không nên có thêm các hành động khiêu khích sau khi Bình Nhưỡng đe dọa tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân.

Người phát ngôn Bộ quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok nói: "Nếu Triều Tiên làm trầm trọng thêm tình hình bằng một vụ thử hạt nhân mới thì đây sẽ là  "sự vi phạm" nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Chúng tôi cảnh báo, Triều Tiên sẽ phải đối mặt với sự phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế”.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng tuyên bố, lực lượng vũ trang của nước này vẫn luôn trong tình trạng trực chiến cao nhất và giới chức Mỹ-Hàn đang quan sát chặt chẽ các cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia phản đối nghị quyết, trong đó có Trung Quốc, Nga và Cuba. Theo các nước này, động thái của Liên Hợp Quốc sẽ thao túng chính trị và  thiết lập một tiền lệ xấu cho các quốc gia khác. Trung Quốc và Nga có thể sẽ sử dụng quyền phủ quyết.

Giới chức Trung Quốc nhiều lần khẳng định, những nỗ lực đưa nhà lãnh đạo Triều Tiên ra Tòa án hình sự quốc tế “không giúp cải thiện tình trạng nhân quyền của một quốc gia”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi kêu gọi: “Trung Quốc luôn luôn chủ trương rằng các nước nên giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực nhân quyền thông qua đối thoại, xây dựng và hợp tác. Chúng tôi hy vọng các bên liên quan tăng cường tiếp xúc và giảm bớt căng thẳng để tạo điều kiện cho việc sớm nối lại các cuộc đàm phán sáu bên".

Đáng chú ý là những phản ứng của phía Nga trùng với thời điểm ông Choe Ryong Hae - Đặc phái viên của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến thăm Moscow. Sau cuộc gặp ông Choe Ryong Hae, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thông báo, Triều Tiên đã sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của nước này một cách vô điều kiện: “Chúng tôi nhận được cam kết từ đại diện cấp cao của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên rằng, Bình Nhưỡng sẵn sàng khởi động lại các cuộc đàm phán 6 bên mà không cần điều kiện trước”.

Đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình và an ninh trước việc Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tuyên bố có chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 2003. Cho tới thời điểm hiện tại, đã có nhiều cuộc họp diễn ra với sáu quốc gia tham gia, gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Nga và Nhật Bản./.