Triều Tiên ngày 3/8 thông báo, nước này đã thử nghiệm hệ thống rocket phóng loạt mới trong những vụ phóng được tiến hành 1 ngày trước đó dưới sự giám sát của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Thông báo được Cơ quan thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa ra một ngày sau khi Quân đội Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã bắn 2 vật thể bay hướng ra khu vực biển phía Đông trên biển Nhật Bản, vụ phóng thứ 3 của Triều Tiên chỉ trong vòng 1 tuần.

phong_ten_lua_zqbq.jpg
Người dân Hàn Quốc theo dõi thông tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngày 2/8. Ảnh: The National

Theo Hãng thông tấn KCNA, vụ khai hỏa hệ thống phóng nhiều rocket dẫn đường năng lực cao mới vào sáng sớm ngày 2/8 là nhằm kiểm tra các khả năng của hệ thống này, như tầm bay hay khả năng kiểm soát đường đạn. KCNA nhấn mạnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un “đã bày tỏ sự hài lòng” đối với kết quả của vụ phóng thử nghiệm. Tuy nhiên, đáng chú ý, trong thông báo của mình, KCNA không đề cập tới Mỹ hay Hàn Quốc.

Trước đó, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, quân đội Mỹ và Hàn Quốc đã chia sẻ đánh giá chung rằng, các vụ phóng ngày 2/8 có khả năng là tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Quân đội Hàn Quốc cũng kết luận, vũ khí mà Triều Tiên thử nghiệm trước đó hồi giữa tuần là tên lửa đạn đạo và duy trì đánh giá ngay cả sau khi Triều Tiên mô tả đây là một hệ thống tên lửa dẫn đường đa cỡ nòng lớn mới được phát triển.

Theo phía Hàn Quốc, vụ phóng ngày hôm qua được tiến hành từ một khu vực ven biển phía Đông và bay được khoảng 220 km. Phạm vi này sẽ đủ để bao phủ khu vực đô thị xung quanh Seoul, nơi có khoảng 1 nửa số người Hàn Quốc sinh sống và một căn cứ quân sự lớn của Mỹ ngay bên ngoài thành phố.

Phó phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kim Eun-han nhấn mạnh: “Chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc rằng, các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, bao gồm cả tên lửa đạn đạo, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, vì vậy chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến liên quan và chuẩn bị kỹ lưỡng.”

Các vụ phóng mới của Triều Tiên diễn ra ngay sau phiên họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, với việc Anh, Pháp, Đức ra tuyên bố chung lên án hoạt động đạn đạo gần đây của Triều Tiên là vi phạm lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và kêu gọi Triều Tiên tham gia “đàm phán có ý nghĩa” với Mỹ nhằm phi hạt nhân hóa. Ba nước này cho rằng, các trừng phạt quốc tế nên được duy trì cho đến khi các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên được dỡ bỏ hoàn toàn.

KCNA ngày 3/8 cũng dẫn lời một người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này chỉ trích tuyên bố của Anh, Pháp và Đức, nói rằng Triều Tiên không bao giờ và sẽ không bao giờ công nhận các tuyên bố “có tính chất khiêu khích nghiêm trọng” chống lại chính quyền. Theo Người phát ngôn này, Triều Tiên chưa bao giờ ký thỏa thuận với bất kỳ quốc gia nào để hạn chế phạm vi tên lửa và các loại vũ khí khác mà họ thử nghiệm, cũng như không bị ràng buộc bởi bất kỳ yêu cầu pháp lý nào. Việc Triều Tiên đơn phương quyết định đình chỉ các vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa và liên lục địa, được Nhà lãnh đạo Kim Jong-un công bố năm ngoái là dựa trên thiện chí và cân nhắc về “quyền lực đối thoại”.

Tổng thống Donald Trump trước đó hồi giữa tuần cũng cho biết ông không lo lắng về những vũ khí mà Triều Tiên đã thử nghiệm gần đây, cho rằng, chúng vẫn nằm trong “tiêu chuẩn”. Tuy nhiên, liên tiếp các vụ thử của Triều Tiên là làm giảm bớt sự lạc quan mới được nhen nhóm trở lại sau cuộc gặp “đầy ngẫu hứng” giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un vào ngày 20/6 vừa qua tại biên giới liên Triều.

Triều Tiên tuyên bố, nếu vẫn kiên quyết tiến hành tập trận với Hàn Quốc theo đúng kế hoạch, thì điều này cũng đồng nghĩa với việc Mỹ vi phạm thỏa thuận giữa các nhà lãnh đạo. Triều Tiên sẽ chờ đợi để quyết định chính sách ngoại giao đối với Mỹ, cũng như liệu có tiếp tục đình chỉ các vụ thử hạt nhân và tên lửa liên lục địa hay không./.