Ngày 9/9 Triều Tiên đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh bằng một loạt hoạt động chào mừng, tiêu biểu là cuộc diễu binh quy mô lớn trên quảng trường Kim Nhật Thành. Tuy nhiên, Triều Tiên đã quyết định không trình diễn các hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và tên lửa tầm trung trong cuộc duyệt binh này. Quyết định được cho là có phần khá bất ngờ này dường như nhằm chứng tỏ với cộng đồng quốc tế về thiện chí của Triều Tiên trong nỗ lực phi hạt nhân hóa.

trieu_tien_dieu_binh_jugc.jpg
Triều Tiên tổ chức diễu binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nhưng không có sự xuất hiện của tên lửa đạn đạo hay tên lửa tầm xa. Ảnh: Getty

Tại cuộc diễu binh, Triều Tiên đã trình diễn một số khí tài hiện đại như xe tăng, pháo tự hành, tên lửa phòng không tầm xa KN-06,... nhưng không phô diễn hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa tầm trung như thường lệ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngay lập tức hoan nghênh động thái của Triều Tiên, cho rằng việc Bình Nhưỡng tổ chức lễ diễu binh quy mô nhưng không phô diễn các tên lửa hạt nhân là dấu hiệu tích cực.

Trên trang Twitter cá nhân, ông Donald Trump bày tỏ cảm ơn Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và tuyên bố sẽ chứng minh rằng tất cả mọi người đã sai khi tỏ ý hoài nghi quyết tâm và nỗ lực phi hạt nhân hóa của hai ông. Theo Tổng thống Mỹ, quyết định không phô diễn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của ông Kim Jong-un phù hợp với chủ đề của lễ diễu binh lần này là “hòa bình và phát triển kinh tế”.

Trong diễn biến liên quan, tại cuộc gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un ở Thủ đô Bình Nhưỡng nhân dịp sang dự các hoạt động kỷ niệm Quốc khánh Triều Tiên, ông Lật Chiến Thư, đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhấn mạnh mục tiêu của Trung Quốc là hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực, đồng thời giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại và tham vấn. Ông Lật Chiến Thư khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các bên liên quan và đóng vai trò tích cực trong vấn đề này.

Trái với những cam kết mạnh mẽ của các bên liên quan, tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên kể từ sau hội nghị thượng đỉnh ở Singpore giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un không đạt kết quả như mong đợi, thậm chí đang lâm vào bế tắc. Phát biểu với các phóng viên tại thủ đô New Dehli hôm 6/9 nhân kết thúc Đối thoại 2+2 giữa Mỹ và Ấn Độ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thừa nhận, dù không chứng kiến bất kỳ vụ thử hạt nhân và tên lửa nào kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore, song việc thuyết phục nhà lãnh đạo Kim Jong-un có sự thay đổi chiến lược nhằm mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho người dân Triều Tiên sẽ vẫn phải tiếp tục.

Để tháo gỡ tình trạng bế tắc hiện tại, từ hôm nay, tân đặc phái viên về Triều Tiên Stephen Biegun sẽ lần lượt đến Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản trong chuyến thăm kéo dài 6 ngày. Tại mỗi nước, ông Biegun sẽ gặp những người đồng cấp, thảo luận các biện pháp cụ thể nhằm đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược đối với Triều Tiên./.