Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang tiến hành điều tra vụ nổ tàu không người lái Cygnus chở hàng lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) xảy ra đêm 28/10 ngay sau khi rời khỏi bệ phóng ở Cơ sở hàng không Wallops thuộc bang Virginia, Mỹ.
Tàu chở hàng Cygnus được phóng lên vũ trụ bởi tên lửa 14 tầng Antares do tập đoàn công nghệ tư nhân Orbital Sciences chế tạo. Đây là vụ phóng đầu tiên của tên lửa Antares vào buổi tối.
Kế hoạch phóng tàu Cygnus ban đầu được lên kế hoạch hôm 27/10 nhưng đã bị trì hoãn cho tới chiều tối 28/10. Tàu Cygnus mang theo một số thiết bị mã hóa tuyệt mật, do đó toàn bộ khu vực có mảnh vỡ của tàu đã được khoanh vùng để điều tra.
Hiện chưa rõ tập đoàn Orbital Sciences sẽ thiệt hại bao nhiều sau vụ tai nạn này song được biết số hàng trên tàu Cygnus trị giá đến 200 triệu USD. Trong khi các quan chức NASA cho biết, thiệt hại trên mặt đất đối với Cơ sở hàng không Wallops là không đáng kể.
Sau vụ tai nạn hôm qua, Phó Chủ tịch điều hành của tập đoàn Orbital Sciences Frank Culbertson đã bày tỏ sự thất vọng vì không hoàn thành nhiệm vụ phóng tàu chở hàng lên Trạm ISS.
Ông Culbertson cho biết: “Đây là một thời điểm khó khăn khi để mất một còn tàu như thế này cùng với các thiết bị nó mang theo. Nhưng nó không gây ra thảm họa như việc để ai phải mất mạng vì vụ việc này. Và chúng tôi mừng là không có báo cáo nào về thương vong cả ở trên không và dưới mặt đất”.
Orbital Sciences là một trong 2 tập đoàn được NASA thuê để chở hàng lên ISS sau khi các tàu con thoi tạm ngừng hoạt động. Vụ phóng tàu Cygnus ngày 28/9 là chuyến đi thứ 3 trong số 8 lần phóng của hợp đồng trị giá 1,9 tỷ USD giữa 2 bên.
Tập đoàn thứ hai ký hợp đồng với NASA là Space Exploration Technologies (SpaceX) đang chuẩn bị cho vụ phóng thứ 4 đầu tháng 12 tới trong khuôn khổ hợp đồng 1,6 tỷ USD.
Chỉ sau vụ tai nạn của tên lửa Antares 14 giờ, Nga ngày 29/10 phóng thành công tàu chở hàng lên Trạm ISS bằng tên lửa đẩy Soyuz lúc 7h09 (giờ GMT).
Giám đốc chương trình Trạm vũ trụ quốc tế Mike Suffredini cho biết, nhờ các chuyến hàng này, các thành viên phi hành đoàn trên trạm gồm 2 nhà du hành vũ trụ của NASA, một của Cơ quan hàng không châu Âu và 3 nhà du hành Nga vẫn còn đủ lương thực và nhu yếu phẩm khác để cầm cự trong vòng 4 đến 6 tháng tới.
“Tàu Progress được phóng đi từ căn cứ không quân Baikonur lên Trạm ISS. Tập đoàn SpaceX cũng dự kiến tiến hành một vụ phóng ngày 9/12 tới. Với các vụ phóng và số hàng này chúng tôi vẫn có thể tiếp tục các nghiên cứu trên vũ trụ. Tất nhiên, chúng tôi cũng đã mất khá nhiều thiết bị nghiên cứu trên tàu chở hàng gặp nạn vừa rồi nhưng chúng tôi sẽ hợp tác với các nhà cung cấp khác để khôi phục và thực hiện vụ phóng khác. Trạm ISS và các phi hành gia trên đó vẫn ở trong tình trạng tốt. Chúng ta còn khá nhiều dự trữ để họ có thể cầm cự trong một khoảng thời gian”, ông Suffredini nói.
Vụ tai nạn tàu Cygnus làm dấy lên những câu hỏi về việc sử dụng động cơ của Nga trên những tên lửa của Mỹ. Tên lửa Antares dùng động cơ AJ-26, một phiên bản cải tiến của động cơ NK-33 thời Liên Xô cũ được phát triển cho tên lửa Mặt trăng N-1.
Hồi tháng 5 vừa qua, động cơ AJ-26 đã phát nổ trong 1 cuộc thử nghiệm mặt đất ở Trung tâm vũ trụ Stennis của NASA nhưng 2 tập đoàn sử dụng động cơ này là Orbital Sciences và Aerojet không công bố nguyên nhân vụ việc.
Trong khi đó, Quốc hội Mỹ lại quan ngại hơn về động cơ RD-180 do Nga chế tạo và đang được dùng cho tên lửa Atlas 5 của một tập đoàn công nghệ vũ trụ khác là United Launch Alliance để phóng các vệ tinh quân sự của Mỹ.
Tên lửa RD-180 không có vấn đề về mặt kỹ thuật nhưng phía Nga đe dọa sẽ ngừng xuất khẩu thiết bị trên để đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với nước này liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine./.