Thúc đẩy hơn nữa các thỏa thuận hợp tác kinh tế - thương mại cũng như an ninh - chính trị được xem là những trọng tâm ưu tiên trong nghị trình chuyến công du Châu Âu đầu tiên của Tổng thống Akino kể từ khi nhậm chức năm 2010 đến nay. Trong bối cảnh tình hình tranh chấp trên biển Đông diễn biến phức tạp, nhà lãnh đạo Philippines cũng muốn tìm kiếm sự ủng hộ của các nước phương Tây đối với lập trường của Philippines trong vấn đề này.

11_snow.jpg

Tổng thống Philippines Benigno Aquino.

Cơ hội vàng để Philippines thúc đẩy quan hệ với các nước châu Âu

Trước chuyến thăm này của Tổng thống Philippines Aquino thì giới phân tích ở châu Âu đã nhận định rằng chưa khi nào quan hệ giữa Philippines với các nước châu Âu, nhất là với hai cường quốc Pháp, Đức lại tốt đẹp như hiện nay. Sự tốt đẹp này trước hết là ở nhận thức. Trước kia châu Âu vẫn coi Philippines như là một nước đồng minh thân cận, quá phụ thuộc vào Mỹ, tức vẫn xem quốc đảo này như là một “sân chơi” riêng của Mỹ. Nhưng nay thì nhận thức này đã thay đổi. Rất nhiều nước châu Âu nhận thấy Philippines là một mảnh đất đầu tư tiềm năng.

Trong vài năm trở lại đây, rất nhiều công ty của Pháp và Đức đã đầu tư vào Philippines. Quan hệ kinh tế, văn hóa… giữa Philippines và các nước này đang phát triển rất nhanh.

Với Tây Ban Nha thì Philippines có mối quan hệ lịch sử văn hóa lâu dài và hiện Tây Ban Nha vẫn đang là một trong những nhà tài trợ ODA hàng đầu cho Philippines.

Vì thế, chuyến thăm này của ông Aquino, chuyến đi đầu tiên của ông đến châu Âu kể từ khi ông nhậm chức năm 2010, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh hơn quan hệ kinh tế với châu Âu. Philippines sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của các nước châu Âu trong việc gia nhập GSP+, tức là một hệ thống thỏa thuận thương mại ưu đãi. Nếu được chấp nhận, dự kiến sẽ có khoảng 6.000 mặt hàng của Philippines được áp thuế ưu đãi 0% khi xuất khẩu vào EU và kim ngạch xuất khẩu của Phillippines vào EU dự kiến sẽ tăng thêm 700 triệu USD trong vòng 3 năm tới.

Tìm kiếm sự ủng hộ của châu Âu trong vấn đề biển Đông

Ngoài tăng cường hợp tác kinh tế, chuyến thăm lần này của Tổng thống Philippines tới châu Âu còn nhằm tìm kiếm sự ủng hộ đối với lập trường của Philippin trong tranh chấp tại khu vực biển Đông.

Ông Aquino là người theo đuổi chính sách cứng rắn với Trung Quốc nên hiện tại, ngoài Mỹ ra, ông cần thêm sự ủng hộ từ các nước lớn ở châu Âu. Ông Aquino sẽ thuyết phục lãnh đạo các nước châu Âu ủng hộ “3 phương thức giải quyết” mà chính phủ Philippines đang theo đuổi trong các tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông thông qua trọng tài quốc tế.

Ngoài ra, ngày 18/9, ông Aquino sẽ diễn thuyết tại Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI), là một think-tank hàng đầu tại Pháp để tranh thủ sự đồng tình của các học giả châu Âu.

Theo giới phân tích, các nước châu Âu sẽ ủng hộ phương thức giải quyết theo luật quốc tế của Philippines. Tuy nhiên, do quan hệ kinh tế với Trung Quốc quá lớn nên sự ủng hộ này sẽ không mạnh mẽ như Mỹ mà sẽ có phần kín đáo hơn và ngoại giao hơn.

Thúc đẩy hợp tác quốc phòng

Tổng thống Philippines cũng tuyên bố với báo giới rằng một trong những điểm nhấn của chuyến thăm là thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng với các nước châu Âu, đặc biệt là với Pháp.

Hợp tác quốc phòng là điều mà cả Philippines lẫn Pháp đều mong đợi. Ở châu Âu, Pháp là cường quốc trong ngành xuất khẩu vũ khí và Pháp đang rất muốn chen chân vào thị trường châu Á-Thái Bình Dương, nơi Mỹ và Nga thống trị bao lâu nay.

Về phần mình, để đối phó với các đe dọa và gây hấn từ Trung Quốc, từ vài năm gần đây, Philippines rất chú trọng đến việc nâng cấp quốc phòng. Họ đã có các hiệp định quốc phòng với Mỹ nên trên lý thuyết sẽ không có trở ngại đáng kể nào trong việc thúc đẩy hợp tác an ninh, quốc phòng với các nước NATO ở châu Âu, đặc biệt là Pháp và Đức.

Cả hai nước này đều là các cường quốc về quân sự, nhất là Pháp có thế mạnh về hải quân mà Philippines đang cần. Hợp tác quốc phòng chắc chắn sẽ có trong nghị sự chuyến đi này của ông Aquino, nhưng có thể sẽ kín đáo và hé lộ ít thông tin hơn.

Tác động đến tình hình khu vực:

Về mặt kinh tế, hợp tác hai bên phát triển thì cũng sẽ thúc đẩy môi trường kinh doanh trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên về mặt an ninh và chính trị thì rất phức tạp bởi nó sẽ tác động đến chính sách của rất nhiều nước có liên quan, trong đó có Việt Nam.

Cần phải theo dõi kỹ các động thái này từ phía Philippines, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến an ninh trên biển Đông có ảnh hưởng đến chuyện chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa./.