Đây được xem là một cử chỉ mang tính tượng trưng, không thuộc thông lệ ngoại giao của các vị Tổng thống Mỹ, thể hiện sự coi trọng của ông Obama đối với quan hệ Trung-Mỹ và mong muốn xóa bỏ những căng thẳng gần đây trong quan hệ hai nước.

Lợi ích to lớn về kinh tế đã đưa Trung Quốc và Mỹ xích lại gần nhau hơn trong những nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, trước và trong chuyến thăm Mỹ của ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì, hai nước đã xuất hiện những căng thẳng trong quan hệ. Đầu tiên là vụ xích mích trên biển giữa tàu hai nước trên khu vực Biển Đông ngày 8/3. Tiếp đến, vào ngày mùng 10/3, Hạ viện Mỹ đã thông qua một Nghị quyết về vấn đề Tây Tạng. Trung Quốc đã phản đối Nghị quyết này, và gọi đây là hành động can thiệp công việc nội bộ của Trung Quốc.

Chiều 11/3, trong chuyến thăm Mỹ, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Hai bên nhất trí cho rằng, đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ là trọng tâm hợp tác Trung-Mỹ trong thời gian tới. Hai bên thỏa thuận, Trung Quốc và Mỹ sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ song phương trên các lĩnh vực: kinh tế thương mại, chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, năng lượng, biến đổi khí hậu, khoa học giáo dục, đối thoại nhân quyền và cả lĩnh vực quân sự.

Tại buổi hội đàm, Ngoại trưởng Trung Quốc và Mỹ đã thảo luận và đạt nhận thức chung về các vấn đề cụ thể liên quan đến việc xây dựng cơ chế “đối thoại chiến lược và kinh tế Trung-Mỹ”. Ngoài ra, hai bên cũng đề cập đến vấn đề Tây Tạng, vụ va chạm mới đây giữa Trung Quốc và Mỹ tại khu vực Biển Đông.

Chuyến thăm Mỹ của Ngoại trưởng Trung Quốc bắt đầu từ ngày mùng 9/3 và dự kiến kết thúc vào ngày 13/3. Mục đích chính của chuyến thăm nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp giữa nguyên thủ Trung Quốc và Mỹ bên lề Hội nghị thượng đỉnh tài chính G20 diễn ra tại London (Anh) vào tháng Tư tới./.