Trong một động thái mới nhất thể hiện sự “khiển trách” đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây cho rằng, hiện rất khó tìm được một con đường cho hòa bình Israel và Palestine với tuyên bố của ông Netanyahu trước thềm tổng tuyển cử Israel rằng sẽ việc chối bỏ giải pháp 2 nhà nước.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Bưu điện Huffington Post xuất bản ngày 21/3, Tổng thống Barack Obama đã nhắc lại thông điệp trong cuộc điện đàm mới đây với Thủ tướng Israel rằng Mỹ tiếp tục tin tưởng vào giải pháp 2 nhà nước, coi đây là “con đường duy nhất đảm bảo an ninh lâu dài cho Israel”.
Cuộc điện đàm đáng lẽ để chúc mừng chiến thắng của đảng Likud trong cuộc tổng tuyển cử hôm 17/3 vừa qua vốn đã có phần hơi muộn màng lại đi kèm những cảnh báo không mấy dễ chịu chứng tỏ sự chia rẽ giữa chính quyền Tổng thống Obama và Thủ tướng Netanyahu.
Tổng thống Obama cho biết: “Chúng tôi chỉ nhận định dựa trên những lời nói của ông ấy rằng giải pháp 2 nhà nước sẽ không xảy ra trong nhiệm kỳ Thủ tướng của ông. Đó là lý do vì sao chúng tôi phải đánh giá những phương án khác để đảm bảo chúng ta không phải chứng kiến tình trạng hỗn loạn ở khu vực này”.
Theo ông Obama, tuyên bố của ông Netanyahu ngay trước thềm cuộc bầu cử rằng sẽ không chấp nhận giải pháp 2 nhà nước khiến dư luận khó tin tưởng vào sự khả thi của tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông. Chính phủ Mỹ cảnh báo, Washington sẽ đánh giá lại những phương án trong quan hệ giữa Mỹ và Israel cũng như chính sách ngoại giao ở Trung Đông.
Tổng thống Obama vẫn nhấn mạnh sự ủng hộ đối với an ninh của Israel qua việc đảm bảo duy trì hợp tác quân sự và tình báo song cũng khẳng định rằng: “Theo quan điểm của chúng tôi, tình trạng hiện nay là không ổn định. Cùng với việc xem xét tổng thể an ninh của Israel, chúng ta không thể duy trì việc mở rộng các khu định cư cho người Do Thái. Đó không phải là công thức cho sự ổn định khu vực”.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cảnh báo, Washington có thể tính tới khả năng rũ bỏ vai trò “Chiếc khiên chắn” về ngoại giao dành cho Israel nhiều thập kỷ qua. Đây được xem là một trong những nguy cơ lớn nhất đối với Israel bởi bao lâu nay Mỹ, với quyền phủ quyết của mình, luôn cản trở Liên Hiệp Quốc công nhận nhà nước Palestine.
Ngoài ra, ông Obama có thể mắt nhắm mắt mở trong việc phản đối Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt Israel vì xây dựng các khu tái định cư hoặc không tích cực ngăn cản Palestine gia nhập Tòa án Hình sự quốc tế - một động thái có thể khiến các binh lính Israel bị kiện với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh.
Đúng vào ngày gọi điện chúc mừng nhưng cũng để cảnh báo Thủ tướng Israel, Tổng thống Obama hôm 19/3 lại gửi đi một thông điệp mềm mỏng với Iran nhân dịp Tết truyền thống Nowruz. Tổng thống Mỹ kêu gọi Iran nắm bắt “cơ hội lịch sử” để hướng tới một thỏa thuận hạt nhân toàn diện cũng như tái thiết lập quan hệ song phương. Động thái này chắc chắn sẽ làm phật lòng ông Netanyahu, người lâu nay vẫn phản đối thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Tổng thống Obama hẳn đã biết điều đó nhưng vẫn đưa ra động thái trên cho thấy ông đang cạn dần sự kiên nhẫn với Thủ tướng Netanyahu và giới chức Mỹ tỏ ra không mấy lạc quan về khả năng hàn gắn mối quan hệ vốn chất chứa nhiều khúc mắc này./.