Đã có ít nhất 4 người thiệt mạng, 20 người khác bị thương trong vụ tấn công xảy ra ngày 22/3, gần trụ sở Quốc hội Anh. Cảnh sát nước này đang điều tra và không loại trừ khả năng đây là một vụ tấn công khủng bố. Lãnh đạo nhiều nước cũng ngay lập tức lên tiếng chia sẻ với Chính phủ và người dân Anh về vụ việc này.

Hiện chưa rõ động cơ của vụ tấn công này. Tuy nhiên, giới chức an ninh Anh cảnh báo người dân tránh xa khu vực trung tâm thủ đô khi lực lượng chức năng tiến hành điều tra và xử lý vụ việc. Lực lượng cảnh sát, kể cả cảnh sát có vũ trang, đang được triển khai dày đặc khắp thủ đô Anh.

london_11_1490199162_hhkh.jpg
Hình ảnh được cho là chiếc xe của hung thủ đâm vào nhiều người đi trên cầu Wesminter trước khi lao vào hàng rào tòa nhà Quốc hội Anh - Ảnh: Twitter
Thủ tướng Anh Theresa May sẽ đứng ra chủ trì một phiên họp khẩn với Ủy ban an ninh khẩn cấp của Chính phủ sau vụ việc chấn động này, giữa lúc giới chức trách Anh gấp rút mở một cuộc điều tra khủng bố “toàn diện”.

Ông Rowley, người đứng đầu Văn phòng An ninh chống khủng bố Quốc gia của Anh thông báo: “Chúng tôi vừa tuyên bố sự việc này là một vụ tấn công khủng bố và đang tiến hành cuộc điều tra toàn diện đối với những gì đã xảy ra ngày 22/3. Vụ tấn công bắt đầu khi một chiếc xe đi trên cầu Westminster đâm và khiến nhiều người bị thương. Chiếc xe này sau đó lại đâm vào khu vực gần tòa nhà Quốc hội, và ít nhất một kẻ cầm dao tiếp tục thực hiện hành vi tấn công có chủ đích. Thật đáng buồn khi tôi phải xác nhận rằng đã có 4 người thiệt mạng, ít nhất 20 người bị thương trong vụ việc này”.

Vào thời điểm vụ tấn công xảy ra, Hạ viện Anh đang họp và ngay lập tức bị dừng lại, các nghị sĩ được yêu cầu ở lại bên trong nhằm đảm bảo an toàn.

Lãnh đạo Đảng lao động đối lập của Anh Jeremy Corbyn cho biết: “Đây là vụ việc cực kỳ nghiêm trọng xảy ra tại khu vực trụ sở Quốc hội Anh ngày 22/3, một số người thiệt mạng, nhiều người bị thương nghiêm trọng. Tôi muốn cảm ơn cảnh sát và tất cả các cơ quan an ninh đã nỗ lực rất nhiều để công chúng, những người đang làm việc tại Quốc hội cũng như các nghị sĩ được an toàn”.

Tuy nhiên, sự việc cũng khiến Quốc hội Scotland phải hoãn phiên tranh luận về việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về khả năng rời khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.

Vụ tấn công xảy ra giữa lúc châu Âu đang trong tình trạng báo động sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố. Ngày 22/3, nước Bỉ đánh dấu một năm xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu khiến 32 người chết, hơn 320 người bị thương ở thủ đô Brussels. 

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ tấn công nghiêm trọng này tại Anh, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này đang theo dõi chặt chẽ vụ việc và sẽ giúp đỡ bằng mọi cách có thể. Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra đề nghị với Thủ tướng Theresa May về việc Mỹ sẽ “hợp tác và hỗ trợ toàn diện” cho Anh trong vụ việc này.

Về phía Đức, Thủ tướng nước này Angela Merkel bày tỏ sự cảm thông trước nỗi đau và sự mất mát to lớn mà người dân Anh vừa trải qua. Nhà lãnh đạo này đồng thời khẳng định rằng nước Đức sẽ đứng về phía Anh trong cuộc chiến chống lại bất kỳ hình thức khủng bố nào.

"Một địa điểm mang tính biểu tượng của nền dân chủ vừa bị tấn công" khi đề cập vụ việc vừa xảy ra tại Anh, ông Matthias Fekl, vừa được bổ nhiệm vị trí Bộ trưởng Nội vụ Pháp cũng bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với Chính phủ và người dân Anh trước “cú sốc” lớn này./.