TheoAFP, nhiều chính đảng tại khu vực Mỹ Latin đã lên tiếng phản đối việc luận tội Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, gọi đây là một “cuộc đảo chính thể chế” trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị tại Brazil tiếp tục diễn biến phức tạp.

bieu_tinh_brazil_down_lfai.jpg
Biểu tình phản đối Tổng thống Brazil. (Ảnh: AFP)

Thông cáo vừa được Hội nghị thường trực các đảng phái chính trị Mỹ Latin (COPPAL) đưa ra nêu rõ, tổ chức này phản đối mọi ý định gây bất ổn, phá hoại nền dân chủ ở Brazil; đồng thời gọi việc luận tội bà Rousseff là cuộc đảo chính thể chế.

COPPAL cảnh báo động thái này sẽ gây ảnh hưởng toàn bộ khu vực tương tự như cuộc đảo chính năm 2009 tại Honduras, phế truất Tổng thống Manuel Zelaya hay như vụ luận tội, phế truất Tổng thống Fernando Lugo năm 2012 ở Paraguay.

Trước đó, Thẩm phán Tòa án Bầu cử Brazil Thereza de Assis đã yêu cầu thu thập các báo cáo quyết toán trong chiến dịch bầu cử năm 2014 có liên quan tới Tổng thống Dilma Rousseff và Phó Tổng thống Michel Temer. 

Động thái này diễn ra sau khi Tòa án Tối cao Liên bang Brazil cho phép cảnh sát thu thập thông tin liên quan tới những cáo buộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Petrobras đã sử dụng tiền tham ô để tài trợ cho chiến dịch quảng bá tranh cử Tổng thống và Phó Tổng thống của bà Rousseff và ông Temer. 

Trong khi đó, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff cho biết, bà sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trước nguy cơ bị Quốc hội nước này luận tội ngày càng lớn.

Bà Rousseff dự kiến đưa ra những kháng nghị của mình khi tham dự Lễ ký Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu tại New York, Mỹ vào ngày hôm nay (22/4). Tổng thống Brazil cho rằng, việc luận tội bà mang động cơ phân biệt giới tính, phân biệt đối xử và gọi đây làm âm mưu “đảo chính không tiếng súng” nhằm lật đổ bà. 

Theo luật pháp của Brazil, trong trường hợp Thượng viện đồng ý bỏ phiếu tín nhiệm Tổng thống vào đầu tháng 5 tới, nếu 41 trên tổng số 81 nghị sỹ thông qua đề xuất phế truất, bà Rousseff sẽ phải rời nhiệm sở trong vòng 180 ngày sau đó và nhường chỗ cho Phó Tổng thống Michel Temer cho tới hết nhiệm kỳ vào ngày 31/12/2018. 

Tuy nhiên, bản thân ông Temer cũng đang bị nghi ngờ sử dụng tiền tham ô của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras cho chiến dịch vận động tranh cử. Nếu những nghi ngờ được khẳng định Brazil có khả năng phải tổ chức tổng tuyển cử sớm./.