Xuất hiện tại Bộ Ngoại giao, ông Biden cho biết chính quyền của ông sẽ "đối phó trực tiếp với những thách thức đe dọa sự thịnh vượng, an ninh và các giá trị dân chủ do đối thủ cạnh tranh gay gắt nhất của chúng tôi gây ra: Trung Quốc".
Tổng thống Biden cũng khẳng định sẽ đối đầu với Bắc Kinh trên những lĩnh vực khác nhau, trong đó có nhân quyền, sở hữu trí tuệ và kinh tế.
"Chúng tôi sẽ thực hiện việc này từ sức mạnh được củng cố trong nước, sự hợp tác với các đối tác và đồng minh cũng như việc đổi mới vai trò của chúng tôi trong các thể chế quốc tế, đồng thời tái khẳng định sự tín nhiệm cùng với các giá trị đạo đức mà nhiều điều trong số đó đã bị đánh mất", ông Biden nhận định, qua đó phác thảo một lập trường trái ngược hoàn toàn với chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump.
Mặc dù khẳng định chính phủ Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình song Tổng thống Biden cho biết Mỹ sẽ sẵn sàng "hợp tác với Bắc Kinh" vì lợi ích của Mỹ, một lập trường nhất quán trong chính quyền mới nhằm hợp tác với Trung Quốc để đối phó với cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu.
Cho tới nay, ông Biden vẫn chưa nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mặc dù nhà lãnh đạo Mỹ đã trao đổi với nhiều nhà lãnh đạo thế giới. Một quan chức Bộ Ngoại giao cho biết hôm 2/2 rằng chính quyền Mỹ đảm bảo sẽ tham vấn với các đồng minh trước khi trao đổi với Bắc Kinh.
Phát biểu với báo giới trước bài phát biểu của ông Biden, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết ưu tiên của chính quyền Mỹ về chính sách thương mại với Trung Quốc không phải là mở lối cho các công ty đầu tư đa quốc gia mà là "đối phó với sự bắt nạt về thương mại của Trung Quốc đang gây tổn hại đến các công việc và người lao động Mỹ"./.