Cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, người bị lật đổ sau các cuộc biểu tình phản đối trong Mùa xuân Arab năm 2011 đã ra làm chứng trước tòa Cairo ngày 26/12 chống lại người từng thay thế ông – cựu Tổng thống Mohamed Morsi.

toaanaicapxulaivucuutongthongmorsi_jtsk.jpg
Cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak. Ảnh: AP
Ông Mubarak được yêu cầu làm chứng trong phiên tòa xét xử lại vụ án liên quan đến các cáo buộc cho rằng cựu Tổng thống Morsi với sự giúp đỡ của tổ chức Anh em Hồi giáo đã tổ chức các cuộc vượt ngục nhân tình hình hỗn loạn khi các cuộc biểu tình phản đối leo thang năm 2011.

Các công tố viên cũng cho biết các thành viên của Hamas kiểm soát dải Gaza và các thành viên của Hezbollah hiện đang chiếm giữ một số vị trí của chính phủ ở Lebanon cũng tham gia tiếp tay cho các cuộc vượt ngục này.

Ông Morsi có liên hệ với tổ chức Anh em Hồi giáo trong suốt sự nghiệp chính trị của mình. Ông tranh cử vào nghị viện như một ứng viên độc lập năm 2000 do tổ chức Anh em Hồi giáo bị cấm hoạt động ở quốc gia này vào thời điểm đó. Năm 2011, ông Morsi bị bắt cùng với 24 thành viên khác của Anh em Hồi giáo nhưng chỉ sau 2 ngày, ông đã trốn thoát. Năm 2012, Morsi trở thành chủ tịch Đảng Tự do và Công lý.

Vào thời điểm đó, các nhà phân tích phương Tây đã ca ngợi ông Morsi là Tổng thống Ai Cập đắc cử đầu tiên một cách dân chủ nhưng chính quyền của ông không kéo dài trong bao lâu. Tháng 6/2013, những người biểu tình chống ông Morsi đã lan rộng khắp cả nước và quân đội cho các đảng phái chính trị nước này 3 ngày để đáp ứng yêu cầu của những người biểu tình khi kêu gọi ông Morsi phải từ chức.

Ông Morsi đã từ chối đề nghị này và quân đội, sau đó với sự lãnh đạo của Tư lệnh Abdel Fattah el-Sisi đã lên nắm quyền. Ông el-Sisi vẫn giữ vai trò Tổng thống Ai Cập kể từ đó.

Sau sự kiện này, ông Morsi bị buộc tội với một số tội danh liên quan đến việc tàn sát những người biểu tình bên ngoài dinh thự của ông năm 2012, vượt ngục năm 2011, hoạt động gián điệp và nhiều tội danh khác. Ông bị tuyên án tử hình năm 2015.

Tuy nhiên, tòa phúc thẩm Ai Cập đã bác bỏ phán quyết này và yêu cầu xét xử lại, yêu cầu cả ông Morsi và ông Mubarak quay lại tòa án ngày 26/12.

Ông Mubarak – cựu Tổng thống Ai Cập từng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ trong suốt 30 năm cầm quyền đã từ chối trả lời phần lớn các câu hỏi của thẩm phán khi cho rằng nếu nói ra ông sẽ "khơi ra nhiều chủ đề mà ông bị cấm thảo luận nếu không được cho phép". Vì vậy, ông yêu cầu sự cho phép từ Tổng thống el-Sisi đương nhiệm trước khi khai nhận gì thêm.

Đầu tháng 12/2018, ông Mubarak được cho là phải có mặt tại tòa án nhưng ông đã không xuất hiện. Luật sư của ông - Farid al-Deeb khẳng định với tòa án rằng là một thành viên trong quân đội, ông Mubarak phải nhận được sự cho phép từ lực lượng này trước khi ra làm chứng./.