Một tổ chức nhân quyền phi chính phủ có trụ sở tại Israel 5/1 tuyên bố đã nộp đơn kiện 3 nhà lãnh đạo hàng đầu của Palestine phạm tội ác chiến tranh lên Toà án Hình sự Quốc tế (ICC). Động thái đưa ra chỉ một ngày, sau khi chính phủ Israel dọa sẽ kiện các nhà lãnh đạo Palestine vì tội ác chiến tranh liên quan đến các vụ nã pháo của phong trào Hamas kiểm soát Dải Gaza nhằm vào lãnh thổ của Palestine mùa hè năm ngoái.
Trung tâm Luật Shurat HaDin có trụ sở tại Israel vừa nộp đơn kiện 3 thủ lĩnh của Phong trào Giải phóng Palestine (PLO) gồm Jibril Rajoub, Majid Farraj và Thủ tướng Rami Hamdallah với cáo buộc khủng bố, tra tấn và vi phạm quyền dân sự.
Trước đó, tổ chức phi chính phủ này của Israel cũng đã đệ đơn kiện chống Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và thủ lĩnh Phong trào Hamas Khaled Mashaal. Tuy nhiên, người phát ngôn phong trào Fatah kiểm soát Bờ Tây Ahmad Assaf bác bỏ những cáo buộc này.
Việc một tổ chức phi chính phủ ở Tel Aviv kiện các nhà lãnh đạo Palestine được coi là động thái đón đầu sau khi Tổng thống Mahmoud Abbas thúc đẩy tiến trình xin gia nhập Tòa án Hình sự Quốc tế để theo đuổi các vụ kiện chống lại Israel.
Phát biểu tại phiên họp nội các hàng tuần hôm 4/1, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ không khoanh tay ngồi nhìn việc Palestine xin gia nhập Tòa án Hình sự Quốc tế.
“Chính quyền Palestine đã chọn cách đối đầu với Nhà nước Israel và chúng tôi sẽ không thể ngồi yên chứng kiến điều đó. Chúng tôi sẽ không để các binh sỹ và chỉ huy của Lực lượng phòng vệ Israel bị đưa ra Tòa án Hình sự Quốc tế. Những người phải đối mặt với công lý chính là lãnh đạo của chính quyền Palestine, những người bắt tay với những tội phạm chiến tranh của phong trào Hamát. Các binh sỹ Lực lượng phòng vệ Israel sẽ tiếp tục bảo vệ Nhà nước Israel với sự quyết tâm và sức mạnh. Cũng như cách họ bảo vệ chúng ta, chúng ta sẽ bảo vệ họ với quyết tâm và sức mạnh như thế”, ông Benjamin Netanyahu nói.
Giới quan sát thì cho rằng, nước cờ này của phía Israel chỉ mang tính hình thức vì Tòa án Hình sự Quốc tế đã nhận hàng nghìn đơn tố cáo tương tự nhưng hiếm khi thúc đẩy được một vụ xét xử. Kể cả khi được triển khai thì tiến trình này cũng mất rất nhiều thời gian.
Tuy nhiên, đây cũng sẽ là phép thử ngoại giao cho cuộc đối đầu pháp lý giữa 2 bên nếu Tòa án Hình sự Quốc tế chấp nhận đơn xin gia nhập của Palestine.
Cùng với việc thúc đẩy các tổ chức phi chính phủ kiện giới chức Palestine, Israel cũng quyết định phong tỏa việc chuyển cho Palestine tiền thuế hàng tháng trị giá 127 triệu USD mà chính phủ nước này thu hộ. Động thái này sẽ khiến Palestine gặp nhiều khó khăn trong việc vận hành chính phủ đoàn kết và trả lương công chức.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, hành động “ăn miếng trả miếng” này của Israel chỉ khiến căng thẳng leo thang trầm trọng hơn. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Jen Psaki nhấn mạnh, Mỹ phản đối mọi hành động làm căng thẳng leo thang và rõ ràng việc Israel quyết định phong tỏa thuế của Palestine là một hành động như thế.
Bà Psaki nêu rõ: “Họ phải tự đưa ra sự lựa chọn về những bước tiếp theo nhưng phải là những bước làm giảm căng thẳng. Đây là con đường duy nhất để tiến lên phía trước. Rõ ràng, chúng ta đang không ở vào thời điểm có thể thảo luận đến tiến trình hòa bình nhưng chúng tôi tiếp tục tin tưởng rằng đó là cách duy nhất để giải quyết những vấn đề này về lâu dài”.
Hiện Mỹ cũng đang viện trợ kinh tế khoảng 400 USD mỗi năm cho Palestine nhưng theo luật pháp Mỹ, Washington có thể cắt khoản viện trợ này nếu chính quyền ở Bờ Tây dùng tư cách thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế để kiện Israel, đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông.
Mặc dù vậy, bà Psaki khẳng định rằng, Mỹ có lợi ích rõ ràng trong việc hỗ trợ và đã hỗ trợ chính quyền Palestine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, khoản viện trợ này đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố ổn định và thịnh vượng không chỉ cho Palestine mà đối với cả khu vực./.