Hôm qua (10/6), các lực lượng liên minh với Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya đã giành quyền kiểm soát bến cảng của thành phố Sirte, qua đó tiếp tục đạt được những bước tiến quan trọng tại nơi được coi là thành trì của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại đất nước Bắc Phi này. Đây được xem là những diễn biến tích cực đối với hòa bình của Libya cũng như cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo trên thế giới.

libya_2_pypr.jpg
IS thất thủ ở Libya. Ảnh: islamedianalysis.info.

Các lữ đoàn chủ yếu gồm các chiến binh từ thành phố Misrata hiện đã tiến vào vành đai trung tâm thành phố Sirte, sau khi mở cuộc phản công chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo hồi tháng trước và đẩy nhóm phiến quân này rút về dọc tuyến đường ven biển giữa hai thành phố. Đây là lực lượng tham gia chiến dịch do Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA) được Liên Hợp Quốc (LHQ) bảo trợ, thực hiện.

Theo người phát ngôn quân đội Libya, tướng Muhammad al-Ghusri, các cuộc tấn công của quân đội Libya đã buộc nhiều thủ lĩnh cấp cao của tổ chức Nhà nước Hồi giáo phải bỏ trốn, trong khi nhiều tay súng của nhóm thánh chiến này bị mắc kẹt tại khu vực trung tâm thành phố.

Trước đó, đầu tuần này, các máy bay chiến đấu của quân đội Libya đã liên tục giội bom xuống các vị trí của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Sirte, bao gồm cả trung tâm hội nghị Ougadougou, từng là nơi diễn ra các hội nghị thượng đỉnh quốc tế tổ chức ở Libya, trong khi lực lượng hải quân nước này liên tục bắn đạn pháo vào bến cảng mà nhóm thánh chiến này nắm giữ.

Theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự, thắng lợi của quân đội Libya được xem là diễn biến tích cực đối với hòa bình của Libya và góp phần không nhỏ vào cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Trung Đông và Bắc Phi, bởi Sirte vốn được xem là căn cứ quan trọng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo bên ngoài Iraq và Syria.

Ngoại trưởng Pháp Jean Marc Ayrault nhận xét: “Kẻ thù số 1 của Libya và của chúng ta chính là hoạt động khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Điều quan trọng hiện nay là các lực lượng Libya cần tổ chức lại hoạt động hiệu quả để đối phó với kẻ thù số một này.”

Libya rơi vào tình trạng bất ổn triền miên kể từ sau cuộc chính biến lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đầu năm 2011. Tại quốc gia Bắc Phi này tồn tại song song hai chính quyền đối địch, một chính quyền được lực lượng Hồi giáo vũ trang hậu thuẫn, đặt căn cứ tại thành phố Tripoli, và một chính quyền được quốc tế công nhận, đặt tại thành phố cảng Đông Bắc Tobruk.

Lợi dụng sự bất ổn này, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tìm cách mở rộng địa bàn hoạt động ở Libya, đồng thời tiến hành nhiều cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ. Dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc, một chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) nhằm thay thế các chính quyền nhỏ lẻ và đối địch, đã hình thành tại Tripoli, hồi đầu năm nay và đang nỗ lực xác lập quyền lãnh đạo trên cả nước. Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu và các nước phương Tây đang tích cực hậu thuẫn chính phủ đoàn kết dân tộc, với hy vọng chính phủ này có thể đoàn kết đất nước Libya để chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo, cũng như ngăn chặn làn sóng người di cư bất hợp pháp từ nước này tràn vào châu Âu.

Phát biểu trước báo giới mới đây, đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Libya, ông Martin Kobler nhấn mạnh: “Cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo cần phải tiến hành trước tiên tại Libya và để làm được điều đó cần có sự thống nhất chung. Theo tôi, không ai có thể hành động một mình mà thành công. Đó là lý do tại sao tôi muốn kêu gọi các bên tại Libya cần đoàn kết lại với nhau”.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã nhiều lần nhấn mạnh, thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc ở Libya là cách duy nhất để xây dựng sự gắn kết cần thiết nhằm giúp Libya đối phó với các nhóm phiến quân./.