Bất chấp việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang khẩn trương thực hiện thỏa thuận mà 2 bên mới đạt được về vấn đề miền Bắc Syria, Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) hôm 25/10 đã đưa ra các tuyên bố mới nhất, ngầm ám chỉ việc tái triển khai lực lượng quân sự tới khu vực này. Miền Bắc Syria tiếp tục diễn biến phức tạp.

luc_luong_dan_quan_nguoi_kurd_1571979682_width760height507_nktf.jpg
Lực lượng dân quân người Kurd. Ảnh: AP.

Khoảng 300 cảnh sát quân sự và hơn 20 xe bọc thép hôm 25/10 đã được phía Nga điều từ vùng Chechnya, thuộc Nga đến miền Bắc Syria, theo như thỏa thuận mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ mới đạt được. Đây là động thái nhằm chuẩn bị cho hoạt động tuần tra chung của nước này với Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov và Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận thông tin này. Theo Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng quân cảnh mới được triển khai sẽ bắt đầu thực hiện nhiệm vụ trợ giúp, đảm bảo sự an toàn của người dân, duy trì luật pháp và trật tự, tuần tra các khu vực được chỉ định, cũng như trợ giúp Các đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) cùng vũ khí của họ lui về khu vực cách biên giới Syria -Thổ Nhĩ Kỳ 30 km.

Theo như xác nhận của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, hiện người Kurd Syria đã và đang rút lui khỏi nhiều khu vực trong phạm vi vùng an toàn mà Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn.

Tuy nhiên, một trong những yếu tố có thể sẽ làm phức tạp thêm tình hình, đó là việc Mỹ tái triển khai thêm binh sĩ tới các mỏ dầu lớn ở khu vực miền Bắc Syria, cũng như ý định muốn triển khai phái bộ tới đây của liên minh quân sự NATO.

Phát biểu tại họp báo sau cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng các nước NATO tại Brussels, Bỉ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 25/10 cho biết:“Như Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo, chúng tôi luôn có ý định duy trì sự hiện diện đồn trú tại Al-Tanf. Như tôi đã nói trước đây, chúng tôi cũng đang xem xét tái bố trí lực lượng trong khu vực để bảo vệ các mỏ dầu. Hiện tại chúng tôi đang có một số hoạt động tại Deir al-Zor nhằm ngăn chặn nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiếp cận kho dự trữ dầu mỏ, từ đó tấn công khu vực, tấn công châu Âu, tấn công Mỹ”.

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ đã không loại trừ khả năng sẽ đưa trở lại các binh sĩ Mỹ vừa mới rút khỏi Syria, để bảo vệ các cơ sở dầu mỏ này cùng với lực lượng người Kurd – và đây là điều Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể chấp thuận.

Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thì nhận định, tình hình hiện nay tại vùng Đông Bắc Syria vẫn là khá mong manh, không bền vững và kêu gọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế hướng tới một giải pháp dài hạn. Trong một nỗ lực nhằm giành lại thế chủ động cho NATO, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức đã đề xuất vùng đệm an toàn tại miền Bắc Syria nếu được thiết lập, nên do lực lượng quốc tế kiểm soát thay vì chỉ có Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Bình luận về đề nghị của Đức, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định Mỹ ủng hộ sáng kiến của các nước châu Âu là thành viên NATO về một phái bộ này. Tuy nhiên, ông Mark Esper nhấn mạnh, Washington không tính đến khả năng đưa lực lượng bộ binh tham gia một phái bộ quốc tế tại vùng an toàn ở Syria. Còn trên thực tế, đề xuất Đức chỉ có thể thành hiện thực khi có một Nghị quyết của Liên Hợp Quốc – điều mà không dễ gì được Nga – thành viên thường trực Hội đồng Bảo an thông qua./.