Chính phủ Hàn Quốc ngày 3/5 cho biết, nước này và Triều Tiên đã đạt được thỏa thuận liên quan đến việc thanh toán các khoản thuế và tiền công cho công nhân, cho phép 7 người Hàn Quốc cuối cùng trở về nước. Chủ tịch Ủy ban quản lí khu công nghiệp chung Kaesong Hong Yang-ho cho biết, phía Triều Tiên đã hợp tác rất đầy đủ trong quá trình rút các công nhân Hàn Quốc về nước, đồng thời kêu gọi Triều Tiên và Hàn Quốc đối thọai, giúp khu công nghiệp này sớm hoạt động trở lại.

Khu công nghiệp chung Kaesong hoạt động như một phép thử đối với hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, lần đầu tiên kể từ năm 2003, khu công nghiệp này bị đóng cửa báo hiệu mối quan hệ liên Triều đang xấu đi nghiêm trọng.

kaesong.jpg
Khu công nghiệp Kaesong nhìn từ một tháp quan sát tại Paju, Hàn Quốc (Ảnh: AFP)

Trong bối cảnh căng thẳng không ngừng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, đặc biệt liên quan đến khu công nghiệp chung Kaesong, Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye sẽ có cuộc gặp vào đầu tuần tới tại Washington. 

Nội dung chính của cuộc gặp này là tập trung vào các biện pháp đối phó với Triều Tiên, cũng như phương hướng phát triển mối quan hệ đồng minh trong thời gian tới.

Giáo sư Choi Jong-kun của trường đại học Yonsei tại Hàn Quốc nhận định, hai nhà lãnh đạo có thể sẽ đưa ra một thông điệp mạnh mẽ tại cuộc gặp này: “Tôi nghĩ rằng thông điệp sẽ rất mạnh mẽ. Một mặt Mỹ và Hàn Quốc cần phải khẳng định sức mạnh đồng minh như một nền tảng cho sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Mặt khác họ cũng sẽ gửi đi một thông điệp rằng, nếu Triều Tiên muốn tiếp tục với cuộc khủng hoảng này, sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên sẽ rơi vào thời kì được gọi đen tối”

Tuy nhiên, các biện pháp gây sức ép trong thời qua đã chứng minh rằng không giúp nhiều cho triển vọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Giáo sư Yang Moo-jin  thuộc trường đại học nghiên cứu về vấn đề Triều Tiên tại Seoul (Hàn Quốc) cho rằng, việc gây sức ép vào thời điểm này chỉ khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên thêm căng thẳng.

“Tiến trình xây dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là một chính sách cân cằng giữa đối thoại và gây sức ép. Tuy nhiên, thời điểm này các bên chỉ tập trung vào gây sức ép. Nếu tiến trình xây dựng hòa bình tiếp tục theo phương diện này, điều đó chắc chắn sẽ dẫn đến giai đoạn đối đầu trên bán đảo Triều Tiên. Trong trường hợp đó, chúng ta không thể thấy có bất cứ các cuộc đối thoại liên Triều hay sự hợp tác nào trong 5 năm tới và căng thẳng sẽ tiếp tục trên bán đảo Triều Tiên”. Giáo sư Yang nhấn mạnh.

Dư luận đang hi vọng rằng, các cuộc diễn tập quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc kéo dài 2 tháng qua đã kết thúc, sẽ giúp mở ra một triển vọng mới cho các cuộc đối thoại trong thời gian tới. Tuy nhiên, với việc Seoul và Bình Nhưỡng tiếp tục đổ lỗi cho nhau liên quan đến khu công nghiệp Kaesong, phản ứng của Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hàn sắp tới, thì tương lai của bán đảo Triều Tiên vẫn rất khó đoán định./.