Tình báo Trung Quốc có quy mô lớn chỉ sau tình báo Mỹ và Nga. Nhưng về mức độ bí hiểm, cơ quan tình báo đối ngoại Trung Quốc có thể hơn hẳn phương Tây. Không như CIA (Mỹ) và MI6 (Anh), Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc không có website chính thức nào.
Tòa nhà được cho là 1 trụ sở của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Bộ an ninh nói trên (gọi tắt là Bộ Quốc an – MSS) duy trì mức độ lộ diện rất thấp. Bộ Quốc an Trung Quốc chỉ bắt đầu được dư luận thế giới để ý đến nhiều vào cuối năm 2018 khi Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội 2 tin tặc (hacker) Trung Quốc đã đánh cắp bí mật thương mại và công nghệ từ hàng chục nước.
Bộ Quốc an Trung Quốc lại một lần nữa được đề cập trên báo chí khi Trung Quốc bắt giữ 2 công dân Canada vào đầu tháng 12/2018 – động thái được cho là để trả đũa việc Canada bắt giữ giám đốc tài chính hãng công nghệ Trung Quốc Huawei Mạnh Vãn Chu theo đề nghị của Mỹ.
Các cơ quan tình báo về bản chất là mang tính chất mật nhưng Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc được bao bọc nhiều hơn trong các lớp màn bí mật. Bộ này của Trung Quốc không có phát ngôn viên.
Phương Tây ít biết về MSS. Họ biết rằng MSS ở một chừng mực nào đó tương đương với cả CIA và FBI của Mỹ (tức là làm đồng thời cả nhiệm vụ tình báo và phản gián).
Theo SCMP, Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc hiện nay là Trần Văn Thanh – người có 2 thập kỷ trong ngành an ninh ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc).
Phương thức hoạt động của tình báo đối ngoại Trung Quốc
Theo Luật Tình báo Quốc gia được ban hành ở Trung Quốc vào năm 2017, MSS có quyền thực hiện các hoạt động gián điệp cả ở Trung Quốc và hải ngoại, theo dõi và điều tra các cá nhân, thể chế trong và ngoài nước.
MSS cũng có quyền tạm giữ những người cản trở hoặc làm rò rỉ thông tin về công tác tình báo tới 15 ngày.
Theo luật Hình sự Trung Quốc, đối với các tội liên quan đến an ninh quốc gia, Bộ Quốc an nước này có cùng thẩm quyền bắt giữ người như cảnh sát thông thường./.