“Tiến trình của cuộc đàm phán sẽ phụ thuộc vào các bước thực hiện của hai nước. Các nhà chức trách Thụy Điển đã nói với chúng tôi rằng một đạo luật chống khủng bố mới sẽ có hiệu lực vào tháng 7”, ông Ibrahim Kalin, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong cuộc họp báo hôm 20/6 khi bình luận về các cuộc đàm phán giữa nước này với Phần Lan và Thụy Điển.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh, ông đã nhận được một văn bản từ cố vấn của Thủ tướng Thụy Điển. Tuy nhiên những tài liệu này ngắn hơn so với mong đợi của nước này. Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên quan trọng của NATO trước đó bày tỏ quan ngại an ninh đối với Phần Lan và Thụy Điển và yêu cầu hai nước thực hiện “các bước đi cụ thể” như ngừng hỗ trợ cho các nhóm mà Ankara liệt vào danh sách khủng bố, dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với nước này cũng như trục xuất các nghi phạm mà Ankara đang truy nã, đồng thời coi đây là điều kiện tiên quyết để hai nước Bắc Âu gia nhập NATO.
Trước quan ngại của Ankara, Thụy Điển và Phần Lan đều đã cho thấy thái độ “cầu thị” của mình, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson ngày 13/6 cho biết, nước này đang thúc đẩy giải quyết yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan việc gia nhập NATO, khi bắt đầu sửa đổi luật chống khủng bố cũng như đảm bảo khuôn khổ pháp lý về xuất khẩu vũ khí sẽ đáp ứng các khuôn khổ đối với một thành viên tương lai của NATO, với những cam kết mới đối với các đồng minh. Trong khi Phần Lan cũng thúc đẩy các cuộc đàm phán với Ankara và tuyên bố sẽ không gia nhập NATO nếu không có Thụy Điển.
Khi Phần Lan và Thụy Điển chính thức nộp đơn xin gia nhập NATOhôm 18/5, nhiều ý kiến cho rằng, Hội nghị Thượng đỉnh của khối tại Madrid sẽ là thời điểm quan trọng để xét duyệt cho hai nước. Tuy nhiên, với những động thái từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, giờ đây các bên cũng không tạo ra “áp lực về thời gian” cho vấn đề này. Đức mặc dù bày tỏ “rất tin tưởng” NATO sẽ đạt được thỏa thuận với Thụy Điển và Phần Lan về việc trở thành thành viên của liên minh nhưng cho rằng sẽ không phải là một “thảm họa” nếu điều này không xảy ra trong Hội nghị Thượng đỉnh ở Madrid vào tuần tới.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg cũng nhấn mạnh, các bên sẽ có đủ thời gian cần thiết để giải quyết quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ:
"Hội nghị Thượng đỉnh ở Madrid không phải là thời hạn cuối. Tôi muốn thấy điều này được giải quyết càng sớm càng tốt và do đó chúng tôi đang hợp tác tích cực với Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như với Phần Lan và Thụy Điển để giải quyết những vấn đề đó”./.