Hội nghị Thượng đỉnh NATO hôm 11/7 khai mạc tại Brussels (Bỉ) với chương trình nghị sự xoay quanh việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hối thúc các nước đồng minh tăng mức chi tiêu dành cho quốc phòng lên mức 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đến năm 2024 và một số chủ đề quan trọng khác.

thuong_dinh_nato_obom.jpg
Thượng đỉnh NATO 2018. Ảnh: Quartz.

Điều đáng nói, bất chấp những bất đồng liên quan tới việc chi tiêu cho quốc phòng giữa các nước thành viên, lãnh đạo các nước đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đạt được đồng thuận trong nhiều vấn đề được cho là quan trọng.

Một tuyên bố chung đã được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào hôm 11/7 tại Brussels của Bỉ, trong đó các nhà lãnh đạo "cam kết mục tiêu kiên định" về tăng chi tiêu cho quốc phòng tại các nước thành viên. Trước đó, tại hội nghị, Tổng thống Mỹ đã đề nghị các nước đồng minh NATO tăng mức chi tiêu quốc phòng lên 4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). 

Bất chấp những tranh cãi giữa các bên về đề xuất mới của Mỹ, Thủ tướng Bỉ Charles Michel vẫn bày tỏ tin tưởng: “Chúng tôi quyết tâm tiếp tục những nỗ lực về chi tiêu quốc phòng vì lợi ích chung. Tôi có niềm tin rằng, chủ nghĩa đa phương tạo ra các tình huống cả 2 bên cùng thắng”. 

Năm 2014, Liên minh Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thống nhất ngừng cắt giảm chi tiêu, bắt đầu tăng và đặt chỉ tiêu dành 2% GDP cho quốc phòng trong một thập kỷ. Theo thống kê của NATO, Mỹ đảm nhiệm khoảng 70% chi tiêu quốc phòng của khối trong năm 2018, tức khoảng 706 tỷ USD trên tổng số gần 1 nghìn tỷ USD của toàn bộ 29 thành viên. Anh là nước thành viên chi tiêu cho quốc phòng nhiều thứ hai trong khối với 62 tỷ USD trong năm 2018, tiếp theo là Pháp với 52 tỷ USD và Đức 51 tỷ USD.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO, các nước thành viên đã mời Macedonia bắt đầu các cuộc đàm phán về gia nhập khối liên minh quân sự này.

Tổng thư ký NATO Stoltenberg tuyên bố: "Chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh thỏa thuận lịch sử vào tháng trước giữa Hy Lạp và Macedonia (về việc đổi tên nước) và hôm nay chúng tôi đã đồng ý mời chính phủ Macedonia bắt đầu đàm phán gia nhập NTAO. Một khi tất cả các tiến trình cần thiết trong nước được hoàn tất nhằm hợp pháp hóa thỏa thuận đổi tên nước thì Macedonia sẽ  trở thành thành viên thứ 30 của NATO".

Về vấn đề Triều Tiên, các nước thành viên NATO tái khẳng định “ủng hộ toàn diện mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”.

Trong vấn đề Trung Đông, các nhà lãnh đạo NATO bày tỏ quan ngại về “các hoạt động gây bất ổn” của Iran trong khu vực. NATO cũng quan ngại trước việc Iran tăng cường các vụ thử tên lửa, cũng như về tầm bắn và độ chính xác của các tên lửa.

Các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đã quyết định mở rộng hỗ trợ tài chính cho quân đội Afghanistan đến năm 2024. NATO tái khẳng định cam kết của tổ chức nhằm đảm bảo an ninh và ổn định lâu dài ở Afghanistan và chỉ ra rằng các đối tác nước ngoài nên đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề Afghanistan. NATO kêu gọi các đối tác hợp tác chặt chẽ hơn trong việc chống khủng bố, cải thiện điều kiện phát triển kinh tế, hỗ trợ các nỗ lực hòa bình và hòa giải của chính phủ Afghanistan. NATO cũng khuyến khích Pakistan, Iran và Nga đóng góp cho sự ổn định của khu vực, bằng cách hỗ trợ đầy đủ cho quá trình hòa bình của Afghanistan.

Liên quan tới Nga, các nước đồng minh NATO cho rằng các hoạt động gần đây của Nga đã làm giảm đi sự ổn định và an ninh, đồng thời làm gia tăng sự khó đoán định. Các nhà lãnh đạo NATO cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo để các nước thành viên không dễ bị tổn thương khi yếu tố năng lượng được sử dụng làm công cụ gây sức ép./.