Chỉ còn vài ngày nữa là diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Triều lần thứ 2 giữa Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump. Hội nghị hiện không chỉ thu hút sự quan tâm của dư luận toàn thế giới mà còn là niềm hi vọng của nhiều quốc gia liên quan, với những lợi ích đặc biệt khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Triều thành công với các cam kết cụ thể hướng đến tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trong số đó, phải kể đến quốc gia láng giềng của Triều Tiên là "ông mối mát tay Hàn Quốc".
Tổng thống Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: Yonhap. |
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã không ngừng nỗ lực theo đuổi chính sách cải thiện quan hệ liên Triều. Chính sách đầy thách thức của ông được thực hiện trong bối cảnh hồ sơ hạt nhân Triều Tiên đang làm nóng các diễn đàn quốc tế, với hàng loạt các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Bất chấp những nghi ngại và chỉ trích, với nỗ lực không mệt mỏi và sự kiên định của Tổng thống Mun Jae-in, không khí u ám của chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên đã được loại bỏ, tạo cầu nối thuận lợi cho các cuộc đàm phán Mỹ- Triều Tiên diễn ra, trong đó Tổng thống Moon Jae-in đóng vai trò là nhà hòa giải quan trọng. Và Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên lần thứ 2 sắp diễn ra tại Hà Nội đang tiếp tục là niềm hi vọng cho “ông mối mát tay” Hàn Quốc.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết: “Chúng ta hi vọng hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều vào tuần tới sẽ đưa ra các bước tiến lớn hướng đến phi hạt nhân hóa và bình thường hóa mối quan hệ Mỹ- Triều Tiên. Hội nghị sắp tới sẽ chứng kiến việc đẩy nhanh các cam kết đã đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Triều tại Xingapo vào năm 2018”.
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Triều thành công được cho là sẽ có tác động lớn đến tình hình trong nước tại Hàn Quốc. Trước hết, kết quả Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 sẽ có ý nghĩa chính trị lớn đối với Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê In. Có thể nói vận mệnh chính trị của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thăng trầm theo từng giai đoạn đàm phán với Triều Tiên.
Tỉ lệ ủng hộ của ông Mun Jae-in đã từng cao hơn 80% sau cuộc gặp Thượng đỉnh lần thứ 2 với Nhà lãnh đạo Triều Tiên, nhưng cũng có lúc rơi xuống mức dưới 50% khi các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ- Triều Tiên bị đình trệ. Với Hội nghị Thượng đỉnh thứ 2 đang đến gần, giới phân tích nhận định, không có cách khắc phục nào nhanh chóng những vấn đề kinh tế của Hàn Quốc hiện nay, vốn đang khiến tỉ lệ ủng hộ của Tổng thống giảm sút, bằng việc đạt được những mục tiêu quan trọng thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ liên Triều.
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Triều lần 2 kết thúc thành công cũng sẽ là tiền đề để Mỹ và Liên Hợp Quốc nới lỏng các biện pháp trừng phạt, tạo cơ hội để Tổng thống Mun Jae-in thúc đẩy kế hoạch tham vọng cho các hoạt động hợp tác với Triều Tiên. Hàn Quốc và Triều Tiên đang tìm cách phát triển các dự án kinh tế, trước hết là mở cửa lại khu công nghiệp chung Kaesong, cũng như tái khởi động lại các tua du lịch tới núi Kumgang.
Ông Cho Hanbum- chuyên gia phân tích của Viện nghiên cứu Hàn Quốc cho rằng, có khả năng hai dự án này sẽ được thực hiện nếu Hội nghị thượng đỉnh sắp tới đạt được bước đột phá, với việc Mỹ ủng hộ Hàn Quốc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào Triều Tiên. Nhiều tập đoàn Hàn Quốc cũng mong đợi sẽ có cơ hội quay trở lại hợp tác tại Triều Tiên.
Chủ tịch Tập đoàn may mặc DMF của Hàn Quốc Choi Dong-jin cho biết: “Chúng tôi háo hức chờ đợi các dự án hợp tác kinh tế liên Triều Tiên được tái khởi động, khi mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên được cải thiện. Chúng tôi đang mong đợi điều này”.
Tổng thống Moon Jae-in cũng đang muốn đẩy nhanh các dự án hàng tỉ USD nâng cấp hệ thống đường sắt của Triều Tiên có thể kết nối Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và các quốc gia khác. Và trên hết, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Triều thành công với các cam kết cụ thể hướng đến tiến trình phi hạt nhân hóa, đảm bảo hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên, là điều mà Hàn Quốc mong mỏi bấy lâu nay.
Hi vọng của Hàn Quốc về sự thành công của Hội nghị lần này không phải không có cơ sở khi những tuyên bố tích cực của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Triều Tiên trong những ngày gần đây đang mở ra các triển vọng mới. Tờ Washington Post của Mỹ hôm qua (23/2) nhận định, với tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump“ không vội” phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Đây là cách tiếp cận từng bước dẫn đến tiến trình phi hạt nhân hóa, thay vì yêu cầu Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn năng lực hạt nhân của mình, sẽ là một lời xác nhận trước về sự thành công của Hội nghị thượng đỉnh sắp tới, có thể là một “ thỏa thuận lớn” hay là “thỏa thuận nhỏ”./.