“Thuốc lá- mối đe dọa đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia” là chủ đề được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra hôm nay (31/5), nhân ngày Thế giớikhông thuốc lá.
Thông điệp nhấn mạnh những tác hại mà thuốc lá gây ra cho sức khỏe con người, môi trường và kinh tế, từ đó kêu gọi cộng đồng quốc tế có biện pháp hữu hiệu để hạn chế thuốc lá.
Trong thông điệp đưa ra, Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh tổn thất do thuốc lá gây ra đã vượt xa phạm vi sức khỏe cộng đồng và thuốc lá hiện là rào cản lớn đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Giám đốc Sáng kiến Không thuốc lá của WHO, ông Douglas Bettcher cho biết: “Nhân Ngày Thế giới Không thuốc lá, Tổ chức Y tế Thế giới muốn khẳng định, thuốc lá đang tạo ra mối đe dọa lớn tới sức khỏe của người dân trên toàn thế giới. Không dừng lại ở đó, việc sử dụng thuốc lá còn là một rào cản chính đối với việc đạt được mục tiêu phát triển bền vững bởi nó ảnh hưởng đến an ninh lương thực, bình đẳng giới, giáo dục, tăng trưởng kinh tế và môi trường”.
Trong báo cáo của WHO, thuốc lá là nguyên nhân khiến 7 triệu người thiệt mạng mỗi năm và con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, đưa tổng cộng nạn nhân của thuốc lá lên tới hơn 1 tỷ người trong thế kỷ này.
Người điều hành chương trình kiểm soát thuốc lá thuộc Tổ chức Y tế Thế giới Vinayak Mohan Prasad nêu rõ: “Hơn 7 triệu người tử vong mỗi năm vì thuốc lá. Trong khi đó, tổn thất về kinh tế mà thuốc lá gây ra đối với các hộ gia đình và chính phủ các nước vào khoảng 1.400 tỷ USD, tương đương mức thiệt hại 1,8% GDP toàn cầu. Việc trồng cây thuốc lá hủy hoại đất đai, góp phần gây ra nạn phá rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế. Tuy nhiên những số liệu về thiệt hại vẫn chưa được thống kê đầy đủ”.
Ước tính có khoảng 860 triệu người hút thuốc thuộc những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Nhiều nghiên cứu cho thấy ở những hộ nghèo nhất, chi tiêu cho các sản phẩm thuốc lá thường chiếm hơn 10% tổng chi tiêu hộ gia đình. Bên cạnh đó, thuốc lá gây ra 16% tổng số các ca tử vong do bệnh không lây nhiễm.
Đặc biệt, năm nay cũng là lần đầu tiên WHO đề cập ảnh hưởng của thuốc lá đối với môi trường, xuất phát từ các hoạt động sản xuất, vận chuyển và phân phối thuốc lá.
Báo cáo của WHO ước tính mỗi năm ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá thải ra gần 4 triệu tấn carbon dioxide (CO2), bằng mức khí thải của 3 triệu chuyến bay xuyên Đại Tây Dương. Ngoài ra, rác thải trong quá trình sản xuất thuốc lá được xác định chứa 7.000 loại chất độc, bao gồm các chất gây ung thư, cùng khói thuốc gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường sống.
Tổng thống “thép” Duterte tuyên chiến với hút thuốc lá nơi công cộng
Trước thực trạng trên, WHO kêu gọi chính phủ các nước có biện pháp mạnh mẽ như tăng thuế và giá bán thuốc lá, để hạn chế việc sử dụng thuốc lá. Trên thế giới cũng có rất nhiều sáng kiến hay và độc đáo nhằm hạn chế thuốc lá, chẳng hạn như sáng kiến cải tạo cánh đồng trồng thuốc lá thành cánh đồng hoa hồng rực rỡ ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, vừa tăng thêm thu nhập cho người lao động, lại vừa điểm tô sắc màu cho cuộc sống.
Hay ý tưởng tạo ra những quán cà phê không khói thuốc ở thành phố Dushanbe thuộc Tajikistan với mong muốn tạo điều kiện cho thực khách được thưởng thức trọn vẹn mùi thơm của đồ uống mà không bị phiền nhiễu bởi mùi khói thuốc.
Nhân ngày này, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Magaret Chan nhấn mạnh, mỗi người đều có thể thực hiện song song hai mục tiêu đó là đẩy lùi thuốc lá ra khỏi đời sống và thúc đẩy sự phát triển bền vững, trong khi chính phủ các nước có thể tăng cường thực thi Công ước khung của Tổ chức Y tế Thế giới về Kiểm soát thuốc lá.
Bà khẳng định, bằng việc áp dụng những biện pháp làm giảm nhu cầu đối với thuốc lá, cộng đồng quốc tế có thể cùng nhau thúc đẩy một thế giới khỏe mạnh và bền vững hơn./.