Giới phân tích cho rằng, chuyến thăm của bà May một lần nữa khẳng định vai trò của nước Anh tại khu vực “vốn rất nhiều biến động” trước và sau cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời cũng mở ra các cơ hội hợp tác mới cho nước Anh thời kỳ hậu Brexit.

theresa_may_xpob.jpg
Thủ tướng Anh Theresa May tại Trung Đông. Ảnh: Reuters

Khác với chuyến thăm lần thứ nhất tới Trung Đông hồi tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Anh May đã chọn điểm đầu chuyến công du lần này của mình là Iraq – quốc gia đã có những chiến thắng “quan trọng” trước IS và đang trong công cuộc tái thiết đất nước thời kỳ hậu xung đột.

Trong chuyến thăm “chớp nhoáng” tới Iraq, bà May đã có cuộc tiếp xúc với các binh sĩ của Anh, đang tham gia công tác đào tạo và huấn luyện quân sự cho quân đội Iraq. Tại cuộc gặp, Thủ tướng Anh cam kết sẽ thực hiện mọi hành động để ngăn chặn các mối đe dọa từ IS.

Bà May nói: “Chúng tôi đang thực hiện mọi hành động mà chúng ta có thể để đối phó với mối đe dọa từ IS. Chúng tôi biết rằng mối đe dọa không chỉ đối với riếng Iraq và Syria. Cần phải đảm bảo rằng, các khu vực bất ổn sẽ không thể là những nơi IS để gieo rắc các mối đe dọa. Chúng ta cũng phải ngăn cản chúng truyền cảm hứng cho những phần tử cực đoan khác tiến hành các vụ tấn công”.

Không chỉ dừng lại là một đối tác chính của Liên quân quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu, Anh đang là một trong những quốc gia đầu tiên đưa ra các khoản hỗ trợ tài chính giúp Iraq tái thiết đất nước.

Tại cuộc gặp với người đồng cấp Iraq Haider al-Abadi, Thủ tướng Anh đã cam kết hỗ trợ Iraq 20 triệu bảng Anh (tương đương 26,8 triệu USD) cho các hoạt động nhân quyền và 30 triệu bảng Anh khác cho các hoạt động cải cách.

Trước đó, hồi tháng 3 vừa qua, Anh đã đồng ý cho Iraq vay 10 tỷ bảng Anh để đầu tư vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trong 10 năm tới, nhằm khôi phục lại cơ sở hạ tầng, điện nước, trường học và y tế từng bị phá hủy bởi các tay súng IS.

Cuối ngày 29/11 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Anh rời Iraq để tới thủ đô Ryiad của Saudi Arabia. Trước khi tới quốc gia Trung Đông này, Thủ tướng May đã bày tỏ những quan ngại của nước Anh đối với tình hình tại Yemen (quốc gia đang có sự can thiệp quân sự của Saudi Arabia) và cuộc khủng hoảng vùng Vịnh giữa Saudi Arabia và các đồng minh của nước này với Qatar.

Thủ tướng Anh cho biết: “Tôi rất quan tâm đến cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Yêmen, đặc biệt là thời gian gần đây. Chúng tôi sẽ gặp giới chức Saudi Arabia và bày tỏ mong muốn nước này mở lại cảng Hodeida, do phiến quân Houthi kiểm soát, để các chuyến hàng viện trợ nhân đạo và thương mại được lưu thông”.

Giới phân tích khu vực nhận định, nhiều khả năng Thủ tướng Anh vẫn sẽ ủng hộ những chính sách cải cách “cởi mở” của Thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman mới đây như cho phép phụ nữ lái xe cũng như cuộc chiến chống tham nhũng “gây tranh cãi” của nước này.

Đồng thời vẫn giữ nguyên lập trường bác bỏ lời kêu gọi dừng bán vũ khí cho phía Saudi Arabia, với các hợp đồng trị giá khoảng 4,4 tỷ USD do quốc gia Trung Đông này đã sử dụng nó trong cuộc chiến tại Yêmen.

Theo kế hoạch, sau chuyến thăm Saudi Arabia, Thủ tướng May sẽ đến Jordan – quốc gia bị ảnh hưởng nhiều từ làn sóng di cư của khu vực, đặc biệt là từ quốc gia láng giềng Syria.

Chuyến công du của Thủ tướng Anh tới Trung Đông lần này diễn ra trong bối cảnh Anh đang tìm kiếm các mối quan hệ mới trên thế giới, thay thế các nước mà Anh có thể mất đi sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).

Người phát ngôn của Thủ tướng Anh nhấn mạnh, chuyến thăm nhằm truyền đi một thông điệp rằng, khi Anh rời khỏi EU, nước này vẫn nỗ lực thúc đẩy vai trò và tầm ảnh hưởng của mình trên toàn thế giới./.