Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho rằng, cuộc khủng hoảng Covid-19 nhấn mạnh tính dễ bị tổn thương của khu vực trong việc đối phó với các mối đe doạ mới nổi. Ông cho rằng, các thành viên của ASEAN cần phải tích cực để giải quyết các tác động của đại dịch trong khi cũng phải rút ra bài học để có thể đối phó tốt hơn trong tương lai.

Người đứng đầu chính phủ Thái Lan cũng kêu gọi ASEAN nên bắt đầu mở cửa trở lại và cho phép du lịch an toàn để phục hồi nền kinh tế của mình. Ông Prayut nói thêm, việc sắp xếp một hành lang du lịch ASEAN cần phải đưa vào thực tế với sự công nhận lẫn nhau về vaccine và chứng nhận vaccine để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại với mục đích công tác và sau đó là du lịch. Trong bối cảnh đó, Thái Lan đã mở cửa thí điểm các khu du lịch theo chương trình “hộp cát Phuket” để chào đón khách nước ngoài và sẽ tiếp tục mở dần thêm các khu vực khác.

Thủ tướng Thái Lan cũng đề nghị các thành viên ASEAN cần phải tránh các biện pháp không cần thiết có thể cản trở tới việc lưu thông hàng hoá, đảm bảo kết nối chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch và tận dụng nhiều hơn thị trường nội khối để kích thích nền kinh tế khu vực. Thái Lan cũng hy vọng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có thể có hiệu lực đúng thời hạn dự kiến và các cuộc đàm phán thương mại tự do ASEAN - Canada có thể sớm được công bố.

Thủ tướng Prayut cũng đề cao các tiến bộ đạt được trong việc sử dụng Quỹ ứng phó ASEAN với Covid-19 và hy vọng các quốc gia sẽ sớm nhận được vaccine từ quỹ này.

Về vấn đề Myanmar, Thủ tướng Prayut cho rằng, đây là một phép thử cho khả năng giải quyết vấn đề khu vực của ASEAN. Khối đã chuẩn bị cho Myanmar có đại diện tham dự Hội nghị Thượng đỉnh, song chính quyền quân sự nước này đã không tán thành. Người đứng đầu chính phủ Thái Lan cũng cho biết, Thái Lan mong muốn được thấy hoà bình và ổn định ở Myanmar và nước này ủng hộ việc thực hiện đồng thuận 5 điểm vì lợi ích của người dân và khu vực. Ông cũng lưu ý việc chấm dứt bạo lực và giải quyết hoà bình xung đột thông qua đối thoại với tất cả các bên liên quan đồng thời kêu gọi ASEAN hỗ trợ nhân đạo cho tất cả các bên.

Cuối cùng, ông Prayut hy vọng đặc phái viên của ASEAN có thể sớm tới Myanmar và đây sẽ là một bước quan trọng trong quá trình xây dựng lòng tin với mục tiêu khuyến khích đối thoại giữa các bên./.