Chuyến đi không chỉ là nhằm vận động của cuộc bầu cử địa phương tại khu vực tự trị này vào ngày 21/12 tới, mà còn nhằm kêu gọi tình đoàn kết, cũng như sự thống nhất của đất nước sau cuộc khủng hoảng vừa qua liên quan tới tham vọng độc lập của chính quyền khu vực tự trị Catalonia.

rajoy_ukxq.jpg
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy trong vòng vây của báo giới. Ảnh: EPA.

Diễn ra hơn 2 tuần sau quyết định của chính phủ trung ương Tây Ban Nha tước quy chế tự trị của Catalonia, chuyến thăm là nhằm giới thiệu chính thức ứng cử viên của đảng bảo thủ cầm quyền tham dự cuộc bầu cử địa phương tại đây dự kiến vào ngày 21/12 tới.

Ông Rajoy đã quyết định triệu tập cuộc bầu cử sau khi sa thải toàn bộ chính quyền của cựu Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont, đồng thời giải tán Hội đồng lập pháp vùng này nhằm khôi phục trật tự Hiến pháp, sau khi những nhà lãnh đạo đòi ly khai của khu vực quyết tâm tổ chức trưng cầu ý dân về nền độc lập, gây ra những thách thức chưa từng có đối với quốc gia thành viên Liên minh châu Âu này.

Thủ tướng Tây Ban Nha Rajoy hy vọng sẽ tranh thủ được sự ủng hộ của các cử tri vẫn còn do dự, muốn tiếp tục là một phần của Tây Ban Nha. Catalonia đang bị chia rẽ sâu sắc hơn bao giờ hết sau cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập hồi tháng 10 vừa qua.

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới đây dự báo một cuộc bám đuổi sát nút giữa các đảng phái trong cuộc bầu cử sắp tới. Thị trưởng Barcelona Ada Colau dù phản đối việc bắt giữ những người đòi li khai của chính quyền trung ương song cũng chỉ trích sự vô trách nhiệm của cựu Thủ hiến Puigdemont khi đưa Catalonia đi vào con đường “thảm họa” như hiện nay.

Gần 2.400 doanh nghiệp đã chuyển trụ sở ra khỏi Catalonia do lo ngại về tương lai của vùng đất này. Chỉ riêng lĩnh vực du lịch, doanh thu đã giảm ít nhất 15% kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân hôm 1/10.

Thủ tướng Tây Ban Nha Rajoy cho biết: “Chúng tôi vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay là 3,1%, song hạ dự báo tăng trưởng năm tới từ 2,6% xuống 2,3% do lo ngại những tác động của các sự kiện hiện nay. Việc các công ty rời khỏi Catalonia là một tin xấu và gây ảnh hưởng tới lĩnh vực du lịch, thương mại”.

Trước đó, hôm 10/11, cựu Chủ tịch Hội đồng lập pháp vùng này, bà Carme Forcadell đã chấp nhận áp dụng điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha, theo đó chính phủ trung ương sẽ kiểm soát toàn bộ các cơ quan chính của vùng này.

Theo Chính phủ Tây Ban Nha, việc bà Forcadell đồng ý áp dụng điều 155 là bằng chứng cho thấy các biện pháp này đã phát huy tác dụng và tình trạng mất an ninh sau làn sóng ly khai có thể chấm dứt vào ngày 21/12 tới, khi các cuộc bầu cử địa phương diễn ra tại đây./.