Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 27/12 có cuộc gặp mang ý nghĩa biểu tượng với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hawaii, Mỹ, nơi xảy ra vụ tấn công Trân Châu Cảng năm 1941 trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Tại đây, hai nhà lãnh đạo đã cùng gửi đi thông điệp về sức mạnh của sự hòa giải, cũng như khẳng định mối quan hệ đồng minh chặt chẽ trong bối cảnh khu vực đang có nhiều biến đổi sâu sắc.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gửi lời chia buồn “chân thành và sâu sắc” đến những người bị thiệt mạng trong vụ tấn công tại Trân Châu Cảng vào năm 1941, sau khi đến thăm Đài tưởng niệm USS Arizona.
Trong cuộc tấn công sáng 7/12/1941, USS Arizona bị trúng bom, nổ tung và chìm, khiến toàn bộ hơn 1.000 thủy thủ thiệt mạng.
Phát biểu trước một nhóm các quân nhân, trong số đó có cả những người đã sống sót trong vụ tấn công, Thủ tướng Nhật Bản khẳng định, nỗi kinh hoàng của chiến tranh không được lặp lại.
Ông Abe nói: “Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến linh hồn của những người đã thiệt mạng tại đây, tinh thần dũng cảm của tất cả những người đã hi sinh trong chiến tranh cũng như những người dân vô tội đã là nạn nhân của chiến tranh. Chúng ta không bao giờ được lặp lại những nỗi đau kinh hoàng của chiến tranh. Đây là cam kết mà chúng tôi và người dân Nhật Bản đã đưa ra”.
Thủ tướng Abe là nhà lãnh đạo đầu tiên Nhật Bản có chuyến thăm chính thức đến Trân Châu Cảng kể từ mùng 7/12/1941.
Hình ảnh hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Mỹ đứng trước bức tường khắc tên những người đã thiệt mạng trong vụ tấn công năm 1941, tham gia buổi lễ đặt vòng hoa sau một phút tưởng niệm, đang minh chứng cho sức mạnh của sự hòa giải, cũng như cam kết gạt bỏ nỗi đau chiến tranh để hướng đến hữu nghị và hòa bình lâu dài.
Mặc dù chuyến thăm Trân Châu Cảng của Thủ tướng Abe chỉ mang tính biểu tượng, nhưng giới quan sát nhận định, đây là một chính sách đối ngoại khôn khéo của Thủ tướng Abe. Đây là một phần trong chiến lược lớn hơn của ông Abe để đảm bảo an ninh tương lai của Nhật Bản trong bối cảnh châu Á ngày càng biến động; là một thông điệp về sự gắn kết chặt chẽ giữa hai đồng minh khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị nhậm chức vào tháng 1 tới.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định, mối quan hệ đồng minh Nhật Bản - Mỹ đang mạnh hơn bao giờ hết.
Ông Obama nói: “Mối quan hệ đồng minh giữa Nhật Bản và Mỹ hiện nay không chỉ quan trọng và cần thiết do lợi ích chung mà còn là những vấn đề cơ bản trong giá trị chung, được coi là cột trụ cho hòa bình và ổn định tại châu Á Thái Bình Dương, thúc đẩy sự tiến bộ toàn cầu. Mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Nhật Bản đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết, trong lúc vui hay buồn chúng ta cũng đều luôn sát cánh bên nhau”.
Bất chấp sự khác biệt về hệ tư tưởng chính trị, sự hợp tác giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Barack Obama thời gian qua đã giúp củng cố mối quan hệ đồng minh truyền thống giữa hai bên.
Sự hợp tác này có ý nghĩa chiến lược hơn, khi Mỹ và Nhật Bản đều có những căng thẳng với Trung Quốc cũng như đối mặt với thách thức liên quan đến chương trình hạt nhân của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên.
Chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến Hiroshima vào tháng 5 vừa qua một lần nữa khẳng định nỗ lực hướng tới hòa giải và hợp tác. Mặc dù không đưa ra lời xin lỗi, nhưng ông Obama đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ - Nhật và sự cần thiết tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ. Truyền thông Nhật Bản cũng ca tụng mối quan hệ giữa hai bên, khi cho rằng Thủ tướng Abe có thể là nhà lãnh đạo nước ngoài cuối cùng có cuộc gặp ông Obama khi ông còn tại nhiệm.
Điều quan trọng hơn cả trong chuyến thăm đến Trân Châu Cảng lần này của Thủ tướng Abe đó là thông điệp rõ ràng về sự hòa hợp Mỹ - Nhật Bản tới chính quyền của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Thủ tướng Abe là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên có cuộc gặp ông Trump chỉ một tuần sau bầu cử Mỹ. Ông Abe muốn thuyết phục ông Trump vẫn cam kết với khu vực châu Á Thái Bình Dương và chấp nhận cách duy nhất để đối phó với các thách thức chung đó là hợp tác chặt chẽ hơn.
Trong bối cảnh các đồng minh truyền thống của Mỹ tại châu Á ngày càng trở nên “ ít tin cậy hơn” như khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc, sự rạn nứt trong mối quan hệ với Philippines… với những bước đi của mình, Thủ tướng Abe đang chứng minh rằng, Nhật Bản vẫn là một đối tác mà chính quyền của Tổng thống đắc cử Trump có thể tin tưởng được./.