Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 14/6 kết thúc chuyến thăm 2 ngày đến Iran. Đây là chuyến đầu tiên của một Thủ tướng Nhật Bản tới Quốc gia Hồi giáo này kể từ năm 1979, với sứ mệnh hòa giải căng thẳng giữa Mỹ và Iran.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên sứ mệnh thuyết khách của Thủ tướng Abe đã không đạt được kết quả như mong đợi, khi cả Mỹ và Iran đều đưa ra thông điệp không tích cực trong việc cải thiện quan hệ song phương và chuyến thăm cũng bị phủ bóng bởi vụ tấn công tàu chở dầu ngoài khơi Vịnh Oman.
Chuyến thăm của Thủ tướng Abe tới Iran được thực hiện trong bối cảnh khu vực Trung Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là quan hệ giữa Mỹ và Iran. Chuyến thăm được kì vọng góp phần làm hạ nhiệt căng thẳng và thúc đẩy đối thoại giữa Mỹ và Iran, đồng thời nâng cao vị thế của Thủ tướng Abe trước thềm tổng tuyển cử ở nước này vào tháng 7 tới.
Phát biểu khi gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định mong muốn của Nhật Bản trong chuyến thăm Iran lần này: “Có khả năng xảy ra các vụ đụng độ tình cờ trong khu vực nhưng chúng ta phải tránh bằng mọi giá. Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, cần thiết để Iran đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực. Không ai muốn chiến tranh. Nhật Bản sẽ nỗ lực để giảm nhẹ căng thẳng hiện nay”.
Nguyện vọng của Thủ tướng Abe là rõ ràng nhưng kết quả không được như mong đợi khi cả Mỹ và Iran đều tuyên bố chưa sẵn sàng. Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei khẳng định hiện tại, ông không có phản hồi nào gửi đến Tổng thống Mỹ Donald Trump và trong tương lai cũng vậy.
Ông Khamenei cũng cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump không đáng tin: “Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẵn sàng có các cuộc đàm phán chân thành với Iran. Chúng tôi không tin tưởng vào tuyên bố này dưới bất cứ hình thức nào. Các cuộc đàm phán chân thành không phải là cách áp dụng được với Tổng thống Trump. Sự trung thực cũng là điểm khó thấy ở các quan chức Mỹ”.
Ngay sau tuyên bố của nhà lãnh đạo Iran, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho rằng còn quá sớm để nghĩ về việc Mỹ sẽ có thỏa thuận với Iran. Theo Tổng thống Trump, Mỹ chưa sẵn sàng và Iran cũng vậy.
Thực tế đây là một kết quả có thể dự đoán được và giới chuyên gia cho rằng chuyến thăm mang ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn là sứ mệnh hòa giải. Chuyến thăm cũng bị phủ bóng bởi sự cố 2 tàu chở dầu bị tấn công trên vịnh Oman. Mỹ ngay lập tức cáo buộc Iran thực hiện vụ tấn công, điều tàu chiến đến khu vực làm gia tăng nguy cơ xung đột lớn hơn. Giáo sư Jeff Kingston của trường đại học Temple ở Tokyo cho rằng, đây là một “ sự trùng hợp” không phải tình cờ và điều đó cho thấy chuyến thăm của ông Abe tới Iran không có tác động đối với căng thẳng tại Trung Đông.
Thậm chí sự cố này đánh dấu sự leo thang đáng lo ngại trong khu vực, là tiền đề cho một cuộc xung đột rộng lớn hơn giữa Mỹ và Iran. Ông Ali Vaez -Giám đốc dự án Iran của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho rằng, nếu Iran đứng đằng sau vụ việc như Mỹ cáo buộc thì rõ ràng chính sách gia tăng áp lực tối đa của chính quyền Tổng thống Mỹ Trump đã thất bại. Điều này đang khiến Iran trở nên quyết liệt hơn chứ không kiềm chế lại như Mỹ kì vọng. Còn nếu Iran không đứng đằng sau vụ việc, thì đã có một số lực lượng khác trong khu vực đang cố gắng tạo ra một sự cố để khơi mào một cuộc chiến mới trong khu vực.
Mặc dù vậy, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vẫn có thể tiếp tục vai trò hòa giải của mình với việc là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20 trong tháng này. Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko hôm nay cho biết sự cố sẽ được thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng và Môi trường G20 vào cuối tuần này. Tuy nhiên giới quan sát nhận định, việc giảm nguy cơ leo thang sẽ đòi hỏi một sự thay đổi cơ bản trong chiến lược của cả Iran và Mỹ cũng như các đồng minh khu vực của họ- một sự thay đổi mà Thủ tướng Abe khó có thể thực hiện được./.
Thủ tướng Nhật Bản gặp lãnh tụ tinh thần tối cao Iran
Thủ tướng Nhật Bản thăm Iran - “Sứ mệnh thuyết khách” có thành công?
Thủ tướng Nhật Bản thăm Iran để xoa dịu căng thẳng Mỹ-Iran