Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki đang phải đau đầu với bài toán ngăn chặn sự mở rộng quyền kiểm soát của nhóm phiến quân hồi giáo Sunni thuộc lực lượng nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận đông. Trong khi đó, ông cũng phải đối mặt với nhiều chỉ trích của Mỹ và một số nước phương Tây trong các hoạt động kiểm soát khủng hoảng. 

maliki_2074849b_mmiz.jpg 

Thủ tướng Iraq Nouri al-Malik (ảnh: AP)

 

Nhóm phiến quân Sunni hôm 21/6 tiếp tục mở rộng khu vực kiểm soát sang các tỉnh phía Tây Iraq, chiếm thêm 3 thị trấn chiến lược và cửa khẩu biên giới đầu tiên với Syria. Những bước tiến này của các nhóm vũ trang tiếp tục gây sức ép lên Thủ tướng Maliki, đặc biệt trong bối cảnh ông đang mất dần sự ủng hộ trong nước.

Đại giáo chủ Ayatollah Ali al-Sistani một nhân vật được kính trọng trong cộng đồng người Hồi giáo Siite hôm 21/6 kêu gọi người dân Iraq đoàn kết để đẩy lùi phiến quân Hồi giáo trước khi quá trễ. Tuy nhiên, ông cũng yêu cầu Chính phủ phải hành động hiệu quả và tránh các sai lầm trong quá khứ.

Không chỉ đối mặt với làn sóng chỉ trích trong nước, Thủ tướng Maliki cũng phải đối mặt với sức ép từ cộng đồng quốc tế. Iraq đã chính thức đề nghị Mỹ hỗ trợ nước này trong các cuộc không kích đẩy lùi các nhóm phiến quân. Tuy nhiên, Mỹ hiện vẫn đang do dự với các lựa chọn.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN ( Mỹ), Tổng thống Obama khẳng định đã cho Iraq một cơ hội để có dân chủ thực sự, vượt qua bất đồng phe phái và tạo ra một tương lai tốt hơn cho trẻ em. Tuy nhiên, niềm tin đã bị phá vỡ. Ông Obama khẳng định, nước Mỹ không có khả năng giải quyết vấn đề này đơn thuần chỉ bằng việc gửi hàng nghìn quân đến Iraq, mà giải pháp phải phụ thuộc vào chính người dân Iraq. Ông Obama cũng kêu gọi Thủ tướng Maliki cần phải đưa ra các bước đi khẩn cấp để gắn kết các bất đồng phe phái.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius mới đây cũng chỉ trích Thủ tướng Maliki trong việc không đảm bảo thành lập một Chính phủ sâu rộng. Theo ông Fabius, điều quan trọng bây giờ đó là cần có sự  tham gia nhiều hơn của các thành phần Sunni ôn hòa để giúp họ tránh rơi vào những gì mà ông miêu tả là một nhóm khủng bố.

Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh, Iraq cần một Chính phủ đoàn kết “có thể với sự tồn tại của Thủ tướng Maliki hoặc không”. Tổng thư kí Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng cảnh báo, các cuộc không kích quân sự nhằm vào nhóm phiến quân có thể phản tác dụng nếu Chính phủ mới không hoạt động hiệu quả.

Cuộc khủng hoảng tại Iraq trong thời gian qua đang đặt câu hỏi lớn về  số phận của ông Maliki – người đang tìm cách tiếp tục đảm nhiệm cương vị Thủ tướng chính phủ nhiệm kỳ thứ ba sau cuộc tổng tuyển cử hôm 30/4 vừa qua.

Tuy vậy, giới quan sát khẳng định với những gì đang diễn ra tại Iraq cùng với sự nổi dậy của nhóm phiến quân nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận đông, các nước châu Âu và Mỹ cũng không thể khoanh tay ngồi nhìn. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 22/6 trở lại khu vực Trung Đông, trọng tâm là để thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Iraq.

Phát biểu trước chuyến thăm, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh: “Trong 10 ngày qua tôi đã có cuộc điện đàm với các đồng minh cũng như đối tác tại Iraq, trong khu vực và châu Âu  như một nỗ lực ngoại giao giải quyết cuộc khủng hoảng. Bởi vì tôi biết rằng, giải pháp không chỉ phụ thuộc vào quân sự. Tôi có chuyến thăm tới châu Âu và Trung Đông nhằm tham vấn trực tiếp với các đối tác”.

Trước đó, Mỹ cũng đã đề nghị cử 300 cố vấn quân sự đến Iraq và để ngỏ khả năng cho “ hành động quân sự chính xác và có mục tiêu”. Tuy nhiên việc có hay không can thiệp vào Iraq sau khi quân đội Mỹ rút quân khỏi quốc gia này vẫn làm đau đầu các nhà lãnh đạo Mỹ, bởi vì điều này gây tranh cãi gay gắt trong dư luận trong và ngoài nước Mỹ./.