Đây là ghi nhận đối với sự hy sinh xương máu của Việt Nam để cứu giúp một dân tộc đang trong loạn lạc bởi chính sách diệt chủng.

Cách đây hơn 40 năm, vào tháng 4/1975, một chế độ diệt chủng được hình thành trên khắp Campuchia. Cả nước biến thành "con số không": Không tự do đi lại, không tự do hội họp, không tự do ngôn luận, không tự do tín ngưỡng, không tự do học hành, không tự do hôn nhân, không tiêu tiền, không buôn bán, không chùa chiền... Chưa đầy 4 năm cầm quyền, chính quyền Khmer Đỏ do tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary đứng đầu đã giết hại hơn 3 triệu người, biến đất nước Campuchia trở thành một nhà tù, một địa ngục khổng lồ.

Trong bộ phim tài liệu lịch sử “Marching towards national salvation” (Hành trình cứu nước) sản xuất năm 2017, Thủ tướng Hun Sen kể lại rằng trước tình hình đó, ông đã quyết định chạy sang Việt Nam đề nghị giúp đỡ tổ chức phong trào kháng chiến giải phóng đất nước. Khi ấy, ông được biết thông tin một số người dân Campuchia cũng đã rời quê hương sang Việt Nam lánh nạn. Ông tin Việt Nam vì đây là nước láng giềng đã từng đồng cam cộng khổ, kề vai sát cánh với Campuchia trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung giành độc lập.

anh_tu_lieu_ppgj.jpg
Ảnh tư liệu.

Tháng 6/1977, ông cùng 4 người khác băng rừng, đào thoát sang Việt Nam. Ngày gặp những người dân Việt Nam đầu tiên cũng là lần đầu sau nhiều tháng ngày ông và đồng đội được ăn bữa cơm no, bởi khẩu phần ăn hằng ngày ở Campuchia lúc bấy giờ chỉ toàn là cháo. “Việt Nam đã đối xử với người tị nạn và với chúng tôi vô cùng nhân đạo dù chưa biết chúng tôi là ai, bạn hay thù. Chúng tôi còn được cung cấp lương thực. Biết chúng tôi hút thuốc lá, họ đã cung cấp cả thuốc lá cho chúng tôi. Chúng tôi là những người may mắn vì gặp toàn người nhân ái. Một người nước này vượt qua biên giới nước kia trong khi đang xảy ra xung đột vũ trang do Pol Pot gây ra thì rất khó phân biệt. Bạn hay thù còn chưa rõ nhưng phía Việt Nam đã đối xử với chúng tôi như vậy. Điều đó cũng đủ để hiểu rồi”, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh.

Với nỗ lực gây dựng lực lượng của các cán bộ cốt cán Campuchia và sự giúp đỡ hiệu quả của Việt Nam, Đoàn 125-tiền thân của lực lượng vũ trang (LLVT) cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia, do ông Hun Sen làm Chỉ huy trưởng được thành lập ngày 12/5/1978. Sau đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia được thành lập ngày 2-12-1978 do ông Heng Somrin làm Chủ tịch. Đây là nòng cốt của lực lượng cách mạng và LLVT cách mạng, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Campuchia.

Đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia, đồng thời cũng để thực hiện quyền tự vệ chính đáng bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của mình, các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã không quản hy sinh, cùng đồng đội Campuchia chiến đấu để gìn giữ những ngôi đền cổ Angkor uy nghi, để điệu múa Apsara huyền diệu được hòa quyện cùng với câu hát dân ca Việt Nam chan chứa yêu thương “Yêu nhau cởi áo cho nhau”, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, đưa đến thắng lợi ngày 7/1/1979 của cách mạng Campuchia.

“Chúng ta có thể hỏi rằng trên thế giới này, có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn cản sự quay lại của chúng? Câu trả lời chính là nhân dân và quân đội Việt Nam. Nhân dân Campuchia có niềm tin, chỉ có tiên, có Phật mới cứu giúp được những phận người khi gặp khó khăn khốn cùng. Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu tiên, Phật tới cứu thì bộ đội tình nguyện Việt Nam xuất hiện. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật”, Thủ tướng Hun Sen đã khẳng định như vậy khi dự Lễ khánh thành Khu di tích lịch sử địa điểm thành lập Đoàn 125 tại Đồng Nai, tháng 1-2012.

Sau chiến thắng ngày 7/1/1979, nếu như theo kế hoạch ban đầu, bộ đội Việt Nam sẽ rút quân khỏi Campuchia ngay trong năm 1979. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Campuchia chưa đủ sức chống lại Pol Pot và cần thời gian để củng cố lực lượng cũng như khôi phục nền kinh tế của mình. Nếu Việt Nam rút quân và Pol Pot quay trở lại được, thì sẽ càng nhiều người Campuchia bị giết. “Chính phủ Việt Nam không muốn để quân ở lại. Phía chúng tôi đã yêu cầu họ như thế. Sau đó chúng tôi đồng ý, họ sẽ thử giảm bớt các lực lượng của họ vào năm 1982. Chính phủ Việt Nam giảm quân số, còn chúng tôi sẽ tăng lực lượng của mình lên”, Thủ tướng Hun Sen trả lời phỏng vấn hai nhà báo Harish C.Mehta và Julie B.Mehta-tác giả cuốn sách “Hun Sen-nhân vật xuất chúng của Campuchia” xuất bản năm 1999.

Cùng với hoạt động quân sự, Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia giúp Campuchia xây dựng chính quyền cơ sở, hỗ trợ vật chất, giúp phục hồi kinh tế từ đống đổ nát do chế độ diệt chủng để lại. Trò chuyện với hai nhà báo Harish C.Mehta và Julie B.Mehta, Thủ tướng Hun Sen cho biết, các chuyên gia Việt Nam “giúp chúng tôi ý kiến và để cho những người Campuchia chúng tôi tự đưa ra các quyết định”.

“Các cố vấn nước ngoài tới Campuchia-nếu chúng tôi không nghe họ-họ sẽ đe dọa cắt viện trợ chúng tôi… Họ đối xử giống như những người làm chủ Campuchia. Họ nói Việt Nam chiếm đóng Campuchia, nhưng trong thực tế, Việt Nam đã làm nhiều điều tốt cho chúng tôi. Việt Nam quảng đại với chúng tôi. Vai trò quan trọng nhất của Việt Nam là ngăn chặn chế độ Pol Pot quay trở lại. Còn về mặt chính trị do chính người Campuchia đưa ra các quyết định”, Thủ tướng Hun Sen nêu rõ./.