Sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng với Liên minh châu Âu, Thủ tướng Anh đã đạt được một qui chế đặc biệt mà ông cho rằng “có lợi cho nước Anh”.
Thủ tướng Anh David Cameron (giữa) đã sẵn sàng bảo vệ thỏa thuận vừa đạt được với EU về tương lai của Anh trong khối. Ảnh AP |
Tuy nhiên giới quan sát nhận định, cuộc chiến của ông tại Quốc hội để giành được sự ủng hộ cho thỏa thuận này cũng như các cử tri để đảm bảo Anh ở lại trong EU cũng khó khăn không kém.
Trong cuộc họp nội các đầu tiên sau khi giành được thỏa thuận , ông Cameron thông báo về kết quả đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh EU kéo dài 2 ngày qua tại Bỉ.
Ông Cameron cũng bắt đầu chiến dịch vận động để giữ Anh ở lại trong EU bằng việc khẳng định, nước Anh sẽ an toàn hơn, mạnh mẽ khi vẫn còn ở trong Liên minh châu Âu được cải cách.
Ông Cameron nói: “Rời Liên minh châu Âu sẽ đe dọa đến an ninh và kinh tế của nước Anh. Những người muốn rời châu Âu không thể nói với các bạn liệu doanh nghiệp Anh có khả năng tiếp cận với thị trường thương mại tự do của châu Âu hay không và liệu thị trường việc làm có bị ảnh hưởng hay không. Họ đang đưa ra một đề xuất mạo hiểm và mang nhiều rủi ro trong thời điểm đầy biến động như hiện nay”.
Chỉ vài giờ sau khi thỏa thuận đạt được, một trong những đồng minh thân cận nhất của ông Cameron là Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove và 5 thành viên nội các khác phản đối thỏa thuận và cho biết sẽ tiến hành chiến dịch vận động người dân ủng hộ rời khỏi EU.
Tại một sự kiện kêu gọi cử tri bỏ phiếu rời khỏi EU, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Bắc Ireland Theresa Villiers nhấn mạnh: “Tôi hoan nghênh những nỗ lực của Thủ tướng và sự thay đổi qui chế đối với nước Anh là tích cực. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần có sự thay đổi sâu rộng hơn nữa.
Vẫn còn những mối lo ngại về mối quan hệ giữa Anh với EU trong nhiều năm qua và tôi nghĩ cách tốt nhất đó là rời khỏi EU, đàm phán một thỏa thuận mới dựa trên sự hợp tác thương mại và thân thiện, chứ không phải là một liên minh chính trị”.
Đây là thách thức đầu tiên của Thủ tướng Anh, được đánh giá là một cuộc “ nội chiến mới” trong Đảng Bảo thủ của ông Cameron về vấn đề châu Âu. Sự chia rẽ về vị trí của Anh tại châu Âu cũng là một trong những nguyên nhân khiến Chính phủ của hai Thủ tướng tiền nhiệm tại Anh sụp đổ.
Chính vì vậy, ngay sau khi lên nắm quyền vào năm 2010, Thủ tướng Anh Cameron khẳng định sẽ nỗ lực để tránh viễn cảnh này xảy ra. Mặc dù vậy, thỏa thuận giữa Anh và EU vẫn nhận được nhiều sự ủng hộ trong Chính phủ.
Bộ trưởng Tài chính George Osborne và Bộ trưởng Nội vụ Theresa May đều khẳng định sẽ ủng hộ ông Cameron. Bà May cho rằng, Anh nên tiếp tục là thành viên của EU vì lý do an ninh, chống tội phạm và khủng bố, mậu dịch với EU và tiếp cận các thị trường trên toàn cầu là lợi ích quốc gia của Anh.
Sau cuộc họp, Thủ tướng Cameron cho biết, Nội các Anh đã thể hiện "tinh thần tập thể" khi thông qua lập trường của Chính phủ muốn giữ Anh ở lại trong một EU cải cách, đồng thời thông báo nước Anh sẽ tổ chức trưng cầu ý dân vào ngày 23/6 tới để quyết định liệu ở hay rời Liên minh châu Âu.
Thỏa thuận giữa Anh và EU đang nhận được sự hoan nghênh tích cực từ các nhà lãnh đạo trong khối. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng hối thúc Anh nên ở lại EU.
Tuy nhiên, không chỉ nội bộ Đảng Bảo thủ Anh mà các cử tri tại Anh hiện vẫn đang chia rẽ về quan điểm này. Các cuộc khảo sát sau khi Anh và EU đạt được thỏa thuận cho thấy, 1/ 5 cử tri vẫn chưa đưa ra quyết định về việc nên ủng hộ Anh ở hay rời EU./.