Cuộc gặp là một phần của cuộc đối thoại tăng cường giữa lãnh đạo hai quốc gia có dân số chiếm hơn 1/3 dân số thế giới và chiếm 18% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

modi_va_tap_gypw.jpg
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải ở Tashkent năm 2016. Ảnh: Indian Express

Cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ và Chủ tịch Trung Quốc được gọi là "Hội nghị thượng đỉnh không chính thức" bởi nó sẽ không có các cuộc chào đón chính thức cấp nhà nước như thường lệ. Theo thông tin từ báo chí Trung Quốc và Ấn Độ, Thủ tướng Modi sẽ cùng Chủ tịch Tập Cận Bình đi thuyền trên sông và có cuộc hội đàm ngắn gọn trong vòng 1 giờ đồng hồ.

Báo chí Ấn Độ và Trung Quốc ngày 28/4 đồng loạt ca ngợi cuộc gặp này là cuộc gặp phá băng và xây dựng lòng tin giữa quốc gia lớn nhất Châu Á, nhất là trong bối cảnh gần 1 năm sau khi binh lính hai nước phải đối đầu trực tiếp với nhau trong 73 ngày ở khu vực biên giới tranh chấp trên Cao nguyên Doklam thuộc Dãy Himalaya. Hiện căng thẳng biên giới vẫn còn, với việc Lực lượng không quân Ấn Độ vừa kết thúc cuộc tập trận lớn nhất dọc biên giới với Trung Quốc và Pakistan.

Trên trang mạng cá nhân Twitter, Thủ tướng Modi viết: "Tôi sẽ đến thăm Vũ Hán và có một cuộc gặp không chính thức với ông Tập Cận Bình về tầm quan trọng song phương và toàn cầu. Chúng tôi sẽ thảo luận về tầm nhìn và ưu tiên tương ứng của chúng tôi để phát triển quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện tại và tương lai". Ông Modi cũng cho biết, hai bên sẽ xem xét sự phát triển của quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc trên quan điểm chiến lược và dài hạn.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Modi đã gặp nhau hồi tháng 9 năm ngoái và dự kiến gặp lại nhau vào tháng 6 tới trong khuôn khổ Hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra tại thành phố cảng Thanh Đảo, miền Đông Trung Quốc. Cả hai nhà lãnh đạo đều có những lý do nội bộ mạnh mẽ để tạm gác căng thẳng sang một bên.

Theo các chuyên gia, với Trung Quốc, cuộc chiến thương mại hiện nay với Mỹ thúc đẩy Bắc Kinh chọn thái độ ôn hòa hơn với New Delhi. Về phần Ấn Độ, những cải cách kinh tế-xã hội của ông Modi đang giảm tốc, do tình hình kinh tế toàn cầu có nhiều xáo động làm tăng rủi ro kinh tế ở Ấn Độ./.