Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải đối mặt với thử thách đầu tiên kể từ khi chính thức nhậm chức hôm 20/1 vừa qua. Quyết định đóng cửa biên giới đối với tất cả người tị nạn, cũng như công dân của 7 nước Hồi giáo ở Trung Đông và Bắc Phi đã gây ra một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ cả ở trong nước và quốc tế.
Người dân Mỹ biểu tình phản đối sắc lệnh cấm người tị nạn nhập cảnh của tân Tổng thống Mỹ tại sân bay quốc tế San Francisco ở bang California ngày 28/1. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Sau một tuần hỗn loạn và gây tranh cãi, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29/1 có phát biểu đầu tiên bảo vệ sắc lệnh hành chính đầu tiên của mình cấm nhập cảnh tạm thời đối với tất cả người tị nạn và công dân 7 nước Hồi giáo ở Trung Đông và Bắc Phi.
Trong một thông cáo, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, đây không phải là lệnh cấm nhằm vào những người Hồi giáo như các phương tiện truyền thông đưa tin sai lệch. Quyết định của ông không liên quan tới các vấn đề về tôn giáo, mà chỉ phục vụ cho cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và an ninh của nước Mỹ.
Phát biểu đưa ra trong bối cảnh, hàng nghìn người biểu tình hôm qua tiếp tục tập trung bên ngoài Nhà Trắng để phản đối quyết định đóng cửa biên giới của Tổng thống. Những người chứng kiến cho biết người biểu tình đã phủ kín Quảng trường Lafayette phía trước Nhà Trắng, mang theo những biểu ngữ như “Hoan nghênh người tị nạn” đồng thời hô vang các khẩu hiệu phản đối phân biệt đối xử với người nhập cư. Biểu tình cũng diễn ra tại nhiều thành phố lớn khác và sân bay trên khắp nước Mỹ.
Sắc lệnh hành chính của Tổng thống Donald Trump cũng gây ra phản ứng ngay trong chính giới Mỹ. Chủ tịch Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ John McCain hôm qua cho rằng, quyết định của Tổng thống về việc cấm nhập cảnh đối với người dân từ 7 quốc gia Hồi giáo là “khó hiểu” và đặt ra nhiều câu hỏi. Trong khi đó, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cho rằng, Mỹ “cần thận trọng” khi thực hiện sắc lệnh nhập cảnh của ông Trăm. Bởi người Hồi giáo là một trong những nguồn lực quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan. Còn thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chuck Schumer nói rằng, phe Dân chủ đang cân nhắc đưa ra hành động pháp lý để lật ngược sắc lệnh này.
Nhiều nước trên thế giới tiếp tục bày tỏ sự bất bình và quan ngại đối với sắc lệnh cấm người nhập cư. Trang mạng của Chính phủ Anh hôm qua đăng tải một đơn kiến nghị trong đó kêu gọi cấm Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm nước này, đã nhận được hàng trăm nghìn chữ ký và đủ điều kiện để được đưa ra thảo luận trước Quốc hội. Chủ tịch Công đảng Anh Jerymy Corbyn cho rằng, chuyến thăm cấp nhà nước tới Anh của ông Trump cần phải bị hoãn cho đến khi Tổng thống Mỹ bãi bỏ quyết định nhập cảnh này.
“Chúng ta đang rất lo ngại về quyết định này và tôi nghĩ sẽ là sai lầm nếu ông Trump đến nước Anh, khi những điều này tiếp diễn. Tôi nghĩ ông Trump sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về vấn đề này. Tôi không hoan nghênh ông Trump đến nước Anh cho đến khi lệnh cấm được dỡ bỏ. Bởi vì điều này xảy ra với các nước trong lệnh cấm và sẽ còn tiếp diễn với các nước khác, cũng như những tác động dài hạn đối với các phần còn lại của thế giới”, ông Jerymy Corbyn nói.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Yemen cho rằng, lệnh cấm công dân một số nước Hồi giáo nhập cảnh Mỹ thực chất đang cổ súy những kẻ cực đoan. Là quốc gia nghèo khó bị chiến tranh tàn phá ở phía Nam bán đảo Arab, Yemen cũng là một trong số 7 quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo có mặt trong trong danh sách đen của chính phủ Mỹ. Ông Murad Said Subay, một nghệ sĩ đường phố nổi tiếng ở thủ đô Sana và có vợ đang theo học tại Mỹ đã tỏ ra lo lắng về quyết định của chính phủ Mỹ.
“Quyết định đóng cửa biên giới của Tổng thóng Mỹ sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu người ở những nước đang có chiến tranh. Đối với cá nhân tôi, đây là một quyết định không công bằng, nhất là khi vợ tôi đang theo học một trường đại học ở Mỹ”, Murad Said Subay nói.
Còn anh Abdul Fatah Mahmoud Shatat đến từ Syria - quốc gia chìm trong nội chiến suốt gần 6 năm qua - mới đến California cách đây 6 tháng cùng với vợ và 4 con gái, chia sẻ, với quyết định cứng rắn của tân Tổng thống Mỹ, giấc mơ của anh về một ngày đoàn tụ với bố, mẹ và anh em đang bị lưu lạc ngày càng trở nên xa vời.
“Gia đình tôi người thì ở Jordan, người ở Nauy và anh trai tôi ở Arabia Saudi. Nếu không có quyết định của Tổng thống Mỹ, chúng tôi có thể mơ về một ngày đoàn tụ và sẽ cố gắng để có được ngày đó. Tuy nhiên, quyết định này đã khiến khoảng cách của chúng tôi trở nên xa hơn”, Abdul Fatah Mahmoud Shatat chia sẻ.
Ông Trump bảo vệ quyết định của mình khi làn sóng chỉ trích gia tăng
Theo các nhà phân tích, một trong những lý do khiến quyết định vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ như vậy là do sự không rõ ràng của nó. Trên thực tế, sắc lệnh không có những chỉ dẫn cụ thể đi kèm dành cho các cơ quan phụ trách biên giới hay hải quan. Ban đầu, những người có thẻ xanh, tức là những người được phép cư trú thường xuyên tại Mỹ là mục tiêu của lệnh cấm này.
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ sau đó lại cho biết, những người này không bị ảnh hưởng, dù họ có thể bị thẩm vấn sau khi tới Mỹ. Những công dân Mỹ mang hai quốc tịch cũng được miễn trừ. Tuy nhiên, vấn đề ở đây lại nằm ở những người mang hai quốc tịch như người Canada gốc Iran hay Pháp gốc Syria. Văn phòng Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 28/1 thông báo, sắc lệnh không có sự khác biệt đối với những công dân Canada.
Hôm qua, đến lượt chính phủ Anh thông báo, công dân nước này mang hai quốc tịch có thể sẽ không bị liên đới, trừ khi họ đến Mỹ trực tiếp từ các nước nằm trong danh sách đen. Nhiều nước như Anh cũng đang thảo luận với Chính phủ Mỹ để hiểu rõ quy mô của sắc lệnh cũng như để nhận được những giải thích rõ ràng./.
Nhiều nước tiếp tục phản đối sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump