Đại diện thường trực Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nibenzia khẳng định nỗ lực để đạt được thỏa thuận về việc rút quân đội Iran khỏi khu vực Tây Nam Syria gần biên giới với Israel. Ông Vasily Nibenzia cho biết, thỏa thuận này sẽ được ký kết trong vài ngày tới. Trong đó, chính phủ Israel đã đồng ý để Syria triển khai lực lượng ở phía Nam nếu quân đội Iran rút khỏi khu vực này.

sana_oxaf.jpg
Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: SANA

Các động thái này diễn ra sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ở Moscow. Cả Nga và Israel thống nhất cần phải rút tất cả các lực lượng Iran khỏi các vùng phía Nam Syria.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo hôm nay (2/6) Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem khẳng định: “Đừng tin những tuyên bố nói về một thỏa thuận ở miền Nam Syria, trừ khi quân đội Mỹ rút khỏi khu vực Tanf. Sự hiện diện của các lực lượng Mỹ ở nước này là bất hợp pháp và nên rút khỏi khu vực Tanf và bất kỳ phần lãnh thổ nào của Syria”.

Ông Muallem cũng phủ nhận sự hiện diện của quân đội và căn cứ của Iran tại Syria, nhưng cho biết có các cố vấn Iran giúp quân đội Syria chống khủng bố. Ngoại trưởng Muallem khẳng định, sự hiện diện của Iran ở Syria là hợp pháp theo yêu cầu của chính phủ nước này, trái với sự hiện diện của Mỹ, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ mà không có sự cho phép của chính phủ Syria. Ông Muallem nhấn mạnh, Syria là một quốc gia có chủ quyền và sẽ hợp tác với bất cứ ai muốn chống khủng bố.

Phía Iran cùng ngày cho biết, các cố vấn Iran sẽ tiếp tục ủng hộ Syria, đồng thời phủ nhận bất kỳ cố vấn Iran nào ở miền Nam Syria hay bất kỳ vai trò nào ở khu vực này. Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Iran Ali Shamkhani khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với những nỗ lực của Nga nhằm loại bỏ những kẻ khủng bố khỏi các vùng Syria giáp biên giới Jordan. Đây được coi là một bước đi tích cực ủng hộ sự trở lại của chính phủ Syria. Ông Ali Shamkhani nhấn mạnh rằng, sự hiện diện của Iran ở Syria nhằm chống khủng bố và Iran sẽ tiếp tục hỗ trợ tư vấn cho Syria nếu chính phủ nước này yêu cầu.

Cuộc xung đột ở Syria bùng phát từ giữa tháng 3/2011 đến nay đã khiến hơn 350.000 người thiệt mạng, các cơ sở hạ tầng lớn bị phá hủy, hơn một nửa dân số phải đi sơ tán ở trong và ngoài nước. Bạo lực và xung đột vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc dù cộng đồng quốc tế đã nỗ lực hỗ trợ tiến trình hòa giải cho quốc gia Trung Đông này./.