Ông Denny Tamaki, người vừa được bầu giữ chức Thống đốc tỉnh Okinawa đầu tháng 10/2018, đã thể hiện sự phản đối với việc di dời Căn cứ Không quân Thủy quân Lục chiến Futenma của Mỹ từ khu vực đô thị ở thành phố Ginowan tới địa điểm ít dân cư hơn ở quanh Camp Schwab tại vịnh Henoko, thành phố Nago cũng như thể hiện sự không hài lòng với những dự án khác của Lầu Năm Góc. Các nhà phân tích nhận định động thái di dời căn cứ quân sự của Mỹ sẽ gây nên những ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường và văn hóa khu vực này.

a_ymzi.jpg
Ông Denny Tamaki (giữa) - Thống đốc mới được bổ nhiệm tại tỉnh Okinawa, Nhật Bản hồi đầu tháng 10/2018. Ảnh: AFP

"Tôi muốn những người Mỹ hiểu những điều đã, đang và sẽ xảy ra để giải quyết vấn đề này", ông Tamaki tuyên bố với trang AP trong một cuộc phỏng vấn ngày 31/10.

Có cha làm việc trong Hải quân Mỹ và mẹ là người Nhật Bản, ông Tamaki khẳng định rằng việc sinh trưởng trong một gia đình với hai nền văn hóa Nhật – Mỹ khiến ông trở thành "một đại sứ hoàn hảo" cho vấn đề này và ông hy vọng sẽ tìm ra "giải pháp cùng thắng" (win-win) cho các vấn đề giữa Okinawa và Tổng thống Donald Trump.

Căn cứ Futenma từng gây tranh cãi liên quan đến việc 3 quân nhân Mỹ năm 1995 đã bắt cóc và cưỡng hiếp một bé gái địa phương 12 tuổi. Gần đây, năm 2016, một công nhân quốc phòng Mỹ đã cưỡng hiếp và giết hại một cô gái 20 tuổi. Cũng vào năm đó, Hải quân Mỹ bị cấm uống rượu sau khi một viên chức bị bắt vì lái xe quá tốc độ. Và năm 2017, một lệnh cấm khác đã có hiệu lực sau khi một lính Hải quân Mỹ say xỉn đã khiến một người đàn ông 61 tuổi thiệt mạng trong một vụ tông xe.

Những tai nạn này cùng với nhiều sự việc khác, một số sự việc trong đó liên quan đến những mảnh vỡ máy bay Mỹ rơi xuống khu vực Okinawa đã gây nên sự phản đối của người dân địa phương với sự hiện diện của 31 căn cứ quân sự lớn của Mỹ trên hòn đảo này. Dù vậy, mối quan hệ thân thiết giữa Tokyo và Washington là điều không dễ thay đổi. Dù Nhật Bản nỗ lực củng cố lực lượng vũ trang nhưng Tokyo vẫn coi Washinton là một đồng minh quan trọng khi đối mặt với những đe dọa từ phía Trung Quốc và Triều Tiên.

Về phần mình, Lầu Năm Góc hiện đang duy trì 279 địa điểm quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương - một con số mà cả Nga và Trung Quốc đều cho rằng đó là minh chứng cho sự bành trướng của quân đội Mỹ tại đây./.