Thời tiết xấu đang làm ảnh hưởng tới hoạt động cứu hộ và cứu trợ các khu vực bị lũ lụt tàn phá nặng nề ở miền Bắc Ấn Độ. Đây là khẳng định của ông Amrita Rawat, người đứng đầu ngành du lịch bang Uttarakhand, khu vực bị lũ lụt tàn phá nặng nề nhất ở miền Bắc nước này.  

“Trong khoảng hai ngày qua, thời tiết khá thuận lợi và chúng tôi đã giải cứu được khoảng 1.000 người. Song ngày 20/6, thời tiết rất xấu khiến hoạt động cứu hộ cứu nạn của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn” – ông Amrita Rawat cho biết.

mua-lu.jpg
Mưa lũ cuốn trôi nhà cửa, đường xá và cả xe cộ tại Ấn Độ

Những trận mưa lớn do ảnh hưởng của gió mùa kéo dài mấy ngày qua tại Ấn Độ đến nay đã làm nhiều người thiệt mạng, cuốn trôi nhiều nhà cửa của người dân và làm hàng nghìn người bị mắc kẹt. Bang Uttarakhand là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất, các tuyến đường và cơ sở hạ tầng thông tin tại Uttarakhand bị tàn phá nặng nề tiếp tục cản trở nỗ lực của các lực lượng cứu hộ.

Tính đến chiều 19/6, đã có 102 người tại bang này thiệt mạng, trong khi 62.970 người đang bị kẹt trên các quả đồi; hơn 19.700 người đã được sơ tán ra khỏi bang Uttarakhand. Đây được xem là trận lụt khủng khiếp nhất tại bang Uttarakhand trong 60 năm qua. Hàng nghìn binh sĩ thuộc lực lượng lục quân, không quân, cảnh sát và các đội cứu hộ… đã được triển khai tham gia hoạt động cứu trợ tại các vùng ngập lụt.

Một sĩ quan cảnh sát tham gia cứu hộ lũ tại Úttarakhan cho biết: “Vào thời điểm xảy ra lũ lụt có gần 1.500 người bị mắc kẹt tại khu vực Kedarnath. Chúng tôi đã giải cứu được gần 1.000 người và đưa họ tới khu vực Guptkashi Phata. Hiện tại còn khoảng 400 người vẫn còn mắc kẹt tại Kedarnath”.

Gió mùa, nguyên nhân gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp ở Ấn Độ thường kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm. Năm nay, gió mùa đã tấn công vào nước này sớm hơn 15 ngày so với thường lệ./.