Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 25/6 tuyên bố ông không loại trừ khả năng sẽ chấm dứt trước thời hạn lệnh ngừng bắn tạm thời lẽ ra phải được thi hành đến 27/6 trong bối cảnh tình hình chiến sự tại miền Đông Ukraine không có dấu hiệu lắng dịu. 

Lực lượng nổi dậy ở đông Ukraine (ảnh: ukzambians.co.uk)

Lệnh ngừng bắn đã bị cả 2 bên Chính phủ và lực lượng đòi liên bang hóa ở miền Đông Ukraine vi phạm thường xuyên kể từ ngày ban bố 20/6 vừa qua. Gần đây nhất, đại diện Các lực lượng vũ trang Ukraine Vladyslav Seleznyov xác nhận, một chiếc trực thăng vận tải của quân đội đã bị bắn rơi hôm qua gần thành phố Slavyansk làm 9 binh sỹ thiệt mạng.

Về phần mình, lực lượng dân quân Slavyansk cũng cáo buộc quân đội Ukraine tiếp tục pháo kích ngoại ô thành phố trong đêm ngày 23 và ngày 24/6, làm 2 người thiệt mạng, một số người bị thương. Người đứng đầu Chính quyền tự xưng Nước Cộng hòa Nhân dân Lugansk Alexei Karyakin thì cho biết, ít nhất 1 phụ nữ đã thiệt mạng và nhiều dân thường bị thương trong vụ nã pháo vào mỏ than đêm qua ở thị trấn miền đông Pryvillya.

Ông Cayankin cho rằng đây là hành động vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được. Lực lượng đòi liên bang hóa ở miền Đông Ukraine tuyên bố sẽ tiếp tục kháng cự dù có sự giúp đỡ của Nga hay không.

Ông Cayankin nói: “Chúng tôi không phải là bên nổ súng. Chúng tôi đã hoàn thành trọn vẹn cam kết của mình bằng việc hủy tất cả chiến dịch quân sự. Nhưng họ đã không tuân thủ cam kết đó. Chúng tôi không tin họ nữa và sẵn sàng đáp trả sự hung hãn của Kiev một cách xứng đáng”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf miêu tả tình hình hiện nay ở Ukraine là “tiến 2 bước, lùi 1 bước”. Tổng thống Nga Vladimir Putin thì cho rằng, lệnh ngừng bắn 7 ngày là chưa đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine hiện nay mà cần phải có các cuộc đối thoại đảm bảo quyền của người thiểu số nói tiếng Nga tại khu vực này.

Tổng thống Putin cho biết: “Tôi đã nói với ông Poroshenko rằng những gì đạt được đến nay vẫn chưa đủ để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Nếu chỉ đình chiến trong vòng 7 ngày và những ai không giải giáp trong vòng 7 ngày đó sẽ bị hủy diệt thì đó không phải là còn đường đi đến hòa bình”.

Ông Putin cũng vừa yêu cầu Thượng viện Nga rút lại quyền ra lệnh can thiệp quân sự vào Ukraine mà cơ quan này đã trao cho ông hồi tháng 3 nhằm bảo vệ người nói tiếng Nga ở đây. Động thái này đã nhận được sự hoan nghênh của Mỹ và phương Tây, coi đây là thiện chí của Moscow sẵn sàng hỗ trợ quá trình hòa giải ở Ukraine.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko gọi đây là “bước tiến thực tế đầu tiên” của Nga nhằm ủng hộ kế hoạch hòa bình của ông. Người phát ngôn Chính phủ Mỹ Josh Earnest cho biết, Washington hoan nghênh bất kỳ bước đi nào của Nga nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Ukraine, trong đó có việc Tổng thống Nga Putin đề nghị Thượng viện rút lại nghị quyết cho phép Nga sử dụng lực lượng quân sự tại nước ngoài.

Cùng với đó, Chính quyền của Tổng thống Obama tiếp tục lên kế hoạch tăng cường trừng phạt các lĩnh vực tài chính, năng lượng và công nghiệp quốc phòng của Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ông Obama đang có 3 sự lựa chọn, gồm cấm giao thương với các ngân hàng lớn nhất của Nga, cấm chuyển giao công nghệ cho các công ty năng lượng và quốc phòng Nga cũng như ngừng các hoạt động kinh doanh với các công ty quốc phòng Nga. Tuy nhiên, chính các doanh nghiệp Mỹ phản đối hành động đơn phương này của Chính phủ do lo ngại điều đó sẽ ảnh hưởng đến thị trường việc làm và các hợp đồng béo bở với Nga. Trong khi đó, các đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng có thể sẽ phản đối vì không muốn leo thang xung đột kinh tế với Nga để rồi các doanh nghiệp của chính những nước này phải chịu thiệt hại.

Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ thảo luận về khả năng trừng phạt thêm đối với Nga tại cuộc gặp ở Brussels, Bỉ ngày 27/6 tới. Nếu không thể hối thúc châu Âu cùng áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga, Mỹ nhiều khả năng sẽ thúc đẩy một gói biện pháp ứng phó nếu Tổng thống Putin không tuân thủ những tuyên bố gần đây nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình cho Ukraine./.