Thỏa thuận hạt nhân đạt được hôm 13/7 giữa Iran và phương Tây dù được đánh giá là mang tính lịch sử, song để có thể khép lại một hồ sơ gây căng thẳng các mối quan hệ quốc tế trong hàng thập kỷ qua thì đây mới chỉ là một bước khởi đầu. 

Trong một bức thư gửi Tổng thống Iran Hassan Rouhani được công bố ngày 16/7, thủ lĩnh tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, dù thừa nhận việc đạt được thỏa thuận tại Vienna (Áo) hôm 13/7 là một “nấc thang quan trọng”, song vẫn kêu gọi Tổng thống Rouhani “cẩn trọng” trước khả năng văn kiện bị chính các nước tham gia đàm phán  phá vỡ.

dam_phan_hat_nhan_iran_mjye.jpg
Thỏa thuận hạt nhân đạt được hôm 13/7 giữa Iran và phương Tây đã đạt được thỏa thuận lịch sử (ảnh: Reuters)

Ông Ali Khamenei cho rằng, Iran vẫn không thể hoàn toàn tin tưởng vào một số nước trong nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và Đức). 

Với vai trò là thủ lĩnh tinh thần và chính trị tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei là một nhân vật có ảnh hưởng lớn tại quốc gia Trung Đông này. Nếu không có cái gật đầu của ông thì thỏa thuận, ngay cả khi đã ký kết cũng không thể được thực thi.

Còn về phía bên kia bàn đàm phán, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đang phải đối mặt với những luồng ý kiến phản đối thỏa thuận, cả ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là từ Israel, một đồng minh chủ chốt của Mỹ tại Trung Đông và Quốc hội Mỹ, nơi mà đảng Cộng hòa chiếm ưu thế, với tư tưởng cứng rắn luôn hoài nghi về mọi thỏa thuận với Iran.

Phát biểu một ngày sau khi đạt được thỏa thuận lịch sử với Iran, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo, cộng đồng quốc tế  chỉ có 2 lựa chọn: một là ngoại giao, hai là sức mạnh hay chính xác hơn là chiến tranh. 

Trong một phát biểu ngày 16/7, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Wendy Sherman một lần nữa khẳng định cam kết của nước này “sẽ luôn thận trọng”, đồng thời nhấn mạnh, Iran có một vai trò quan trọng, đặc biệt là trong vấn đề Syria.

Bà Sherman nói: “Như Tổng thống từng giải thích, ông đã thực hiện một quyết định rất chiến lược và quan trọng nhằm loại bỏ nguy cơ Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Điều này sẽ giúp ta  có thể tập trung mọi thời gian, sự quan tâm và sức lực nhằm giải quyết các vấn đề khác tại khu vực”.

Sau thông báo về chuyến thăm Israel và các quốc gia vùng Vịnh vào cuối tuần này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 16/7 cũng thông báo về chuyến thăm các nước vùng Vịnh vào ngày 3/8 tới.

Không chỉ Mỹ mà các đồng minh phương Tây khác trong nhóm P5+1 như Anh và Pháp cũng đang ráo riết triển khai các nỗ lực ngoại giao nhằm trấn an các đồng minh. Ngoại trưởng Anh Phillip Hammond ngày 16/7 đã tới thăm Israel và khẳng định, “các biện pháp bền vững” sẽ được triển khai nhằm ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.

 “Tôi hiểu những lo ngại của Israel, song tôi muốn nói rõ rằng. Chúng tôi sẽ không dỡ bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt nào ngay hôm nay. Bởi việc nới lỏng các lệnh trừng phạt được nêu trong thỏa thuận là điều kiện buộc Iran phải tôn trọng các cam kết, mà trước tiên là giảm các kho dự trữ uranium, tháo dỡ các thiết bị ly tâm, chuyển giao uranium đã làm giàu ra nước ngoài”, Ngoại trưởng Phillip Hammond nói.

Trước đó, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Iran Rouhani, Thủ tướng Anh David Cameroon khẳng định mong muốn mở lại Đại sứ quán tại Iran bị đóng cửa từ năm 2011, cũng như tăng cường hợp tác chống lại mối đe dọa từ nhóm Nhà nước Hồi giáo cực đoan.     

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cùng ngày tuyên bố nước này sẽ xem xét kỹ chính sách đối ngoại sắp tới của Iran. Ngay sau khi thỏa thuận đạt được, ông Fabius đã lên kế hoạch thăm Israel vào thời gian tới.

Trong một dấu hiệu cho thấy lo ngại của những đồng minh tại vùng Vịnh, Ngoại trưởng Arab Adel Al- Jubeir ngày 16/7 cảnh báo chống lại mọi ý đồ của Iran sử dụng tiền được hưởng từ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế để trài trợ cho cái mà ông gọi là “những cuộc phưu lưu trong khu vực”.  

Thỏa thuận đạt được đảm bảo cắt đứt mọi  khả năng của Iran sản xuất vũ khí hạt nhân, mà vẫn đảm bảo quyền của nước này phát triển hạt nhân dân sự. Đổi lại, Liên Hợp Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ dỡ bỏ dần những lệnh trừng phạt áp đặt với nước này từ năm 2006.

Tuy nhiên, tất cả những động thái của Iran, Mỹ và phương Tây, cũng như phản ứng của nhiều nước ngay sau khi thỏa thuận đạt được đã một lần nữa cho thấy, đây  mới chỉ là sự khởi đầu cho một nỗ lực dài hơi để có khép lại một hồ sơ gây căng thẳng các mối quan hệ quốc tế trong hàng thập kỷ qua. Để đi tới kết quả cuối cùng chắc chắn sẽ phải mất nhiều tháng và thậm chí là nhiều năm./.