Rạng sáng nay (10/11 - theo giờ Việt Nam), lãnh đạo 3 nước Nga, Armenia và Azerbaijan đã ký thỏa thuận chấm dứt xung đột quân sự tại khu vực Nagorno-Karabakh sau hơn 1 tháng giao tranh đẫm máu tại đây. Thỏa thuận có hiệu lực vào lúc 0h đêm qua (theo giờ địa phương), tức 4h sáng nay (theo giờ Việt Nam) trong bối cảnh lực lượng Azerbaijan mới đây thông báo giành lại được nhiều thị trấn, làng mạc tại Nagorno-Karabakh
Phát biểu trực tuyến tại lễ ký kết, Tổng thống Nga Putin tuyên bố: “Azerbaijan và Armenia sẽ giữ nguyên tại các vị trí hiện tại ở Nagorno-Karabakh. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga sẽ được triển khai tới đây. Theo thỏa thuận, những người di tản và tị nạn sẽ được trở về nhà dưới sự giám sát của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn. Sẽ có một cuộc trao đổi tù nhân chiến tranh và thi thể những người tử trận giữa 2 bên. Các hoạt động giao thương kinh tế và vận tải sẽ được nối lại và được giám sát bởi Dịch vụ biên giới Nga. Chúng tôi cho rằng thỏa thuận đạt được sẽ thiết lập các điều kiện cần thiết để giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng Nagorno-Karabakh về lâu dài dựa trên cơ sở luật pháp và những lợi ích của 2 quốc gia Azerbaijan và Armenia”.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, khoảng 1.960 binh sĩ, 90 xe bọc thép và 380 xe quân dụng các loại của Nga sẽ được triển khai tại Nagorno-Karabakh theo như thỏa thuận. Ngay khi thỏa thuận có hiệu lực, các đoàn binh sĩ và khí tài Nga hiện đã tiến vào khu vực.
Về phần mình, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev nhấn mạnh, thỏa thuận 3 bên vừa đạt được sẽ là một điểm then chốt trong tiến trình giải quyết cuộc xung đột. Theo ông, thỏa thuận ngừng bắn trên có “tầm quan trọng mang tính lịch sử”, cho phép phía Armenia có được một khoảng thời gian ngắn để rút quân khỏi khu vực Nagorno-Karabakh. Ngoài ra, Tổng thống Azerbaijan cũng cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cùng tham gia hoạt động gìn giữa hòa bình tại khu vực này.
Trong khi đó, Thủ tướng Armenia thừa nhận, thỏa thuận không phải là chiến thắng cho nước này và việc phải ký vào thỏa thuận chấm dứt xung đột là quyết định “đau đớn” của bản thân ông và người dân quốc gia này, song khẳng định đây là điều tốt nhất trong bối cảnh hiện nay. Theo ông, thỏa thuận được ký dựa trên những phân tích chuyên sâu về tình hình chiến sự thực địa ở thời điểm hiện tại và các ý kiến đánh giá của những chuyên gia quân sự xuất sắc nhất.
Còn người đứng đầu chính quyền người Armenia tại Nagorno-Karabakh cũng đã bày tỏ hi vọng cuộc xung đột tại đây có thể chấm dứt xung đột “càng sớm càng tốt”.
Tuy nhiên, việc Armenia phải ký thỏa thuận chấm dứt xung đột trong bối cảnh nhiều khu vực tại Nagorno-Karabakh đang do phía Azerbaijan kiểm soát đã khiến người dân Armenia tức giận.
Chỉ ít giờ sau khi thỏa thuận được tuyên bố, ngay trong đêm, hàng nghìn người Armenia đã xuống đường biểu tình phản đối. Họ đổ dồn về các tòa nhà chính phủ ở thủ đô Yerevan. Một vài nhóm người đã xông được vào các tòa nhà Chính phủ, Văn phòng Thủ tướng và Quốc hội la hét và đập phá.
Khu vực Nagorno-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, được quốc tế công nhận chủ quyền cho quốc gia nay. Tuy nhiên, phần lớn người dân ở đây là người Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Căng thẳng tái bùng phát tại khu vực này từ ngày 27/9 vừa qua đã khiến con số thương vong ước tính lên tới hàng nghìn người./.