Trả lời phỏng vấn trên CNN ngày 27/2, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, nước này sẽ hạn chế sự tiếp cận của các tàu chiến Nga tới Biển Đen vì cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.

"Tình hình ở Ukraine chính thức là một cuộc chiến tranh... Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện tất cả các điều khoản của Công ước Montreux một cách minh bạch", ông Cavusoglu nói.

Theo Công ước Montreux năm 1936, quy định về eo biển Biển Đen, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng cửa eo biển đối với tàu quân sự của bất kỳ quốc gia nào đang trong tình trạng chiến tranh, hay khi nước này cảm thấy bị đe dọa bởi một cuộc chiến sắp xảy ra.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không thể đóng cửa hoàn toàn các eo biển, trừ khi chính nước này đang trong tình trạng chiến tranh.

Ngoại trưởng Cavusoglu cũng cho biết, Ankara vẫn sẽ cho phép các tàu quân sự đi qua eo Biển Đen để quay trở lại căn cứ của mình. Trước đó, Kiev đã nhiều lần thúc giục Ankara đóng cửa eo biển đối với Nga.

Cùng ngày 27/2, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục gia tăng các trừng phạt đáp trả với hành động quân sự của Nga ở Ukraine, với thông báo đóng cửa toàn bộ không phận các quốc gia thành viên với các máy bay Nga, đóng cửa hai đài truyền hình Nga, đồng thời tăng tốc viện trợ quân sự cho Ukraine.

Việc châu Âu gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine được xem là một bước leo thang trừng phạt mới của khối này. Các nước như Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Pháp và đặc biệt là Đức đều tuyên bố sẽ viện trợ vũ khí cho Ukraine, chủ yếu là các loại tên lửa chống tăng, súng phóng lựu và tên lửa phòng không vác vai.

Đáng chú ý nhất là việc chính phủ Đức lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ từ bỏ nguyên tắc không cung cấp vũ khí cho các bên đang trong xung đột và quyết định gửi viện trợ quân sự trực tiếp cho Ukraine./.