Đều là những đồng minh trong NATO, song Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ từ nhiều thập kỷ nay vẫn luôn tồn tại những tranh chấp chủ quyền, mà một trong số đó là nguồn tài nguyên khí đốt ở Đông Địa Trung Hải.

Hệ thống an toàn hàng hải NAVTEX) hôm qua (11/10) cho biết, tàu thăm dò Oruc Reis sẽ nối lại các hoạt động tại khu vực, bao gồm cả đảo Kastellorizo, miền Nam Hy Lạp cho tới hết ngày 20/10. Thông báo đưa ra chưa đầy 1 tháng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết định rút tàu này về cảng nhằm tạo điều kiện cho các nỗ lực ngoại giao.

Đảo Kastellorizo nằm cách bờ đông của phần lục địa Hy Lạp 500 km và chỉ cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ 3 km. Nhưng theo Công ước Luật Biển kí năm 1982 tại Montego, Jamaica, hòn đảo này thuộc chủ quyền của Hy Lạp và vì thế có được một vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn ở phía Đông Địa Trung Hải. Thế nhưng, Thổ Nhĩ Kỳ không phê chuẩn Công ước.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ điều tàu Oruc Reis trở lại khu vực đảo Kastellorizo dự báo sẽ làm tái diễn căng thẳng như hồi tháng 8 và tháng 9/2020. Chưa bao giờ người ta lại chứng kiến nhiều chiến hạm của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu cùng lúc tập trung diễn tập trên Địa Trung Hải như thời điểm đó và thậm chí còn có cả sự tham gia của Mỹ. Theo nhiều nhà phân tích, động thái mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ không gây ngạc nhiên bởi đi kèm với quyết định rút tàu về cảng hồi tháng trước, nước này cũng tuyên bố con tàu sẽ trở lại.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis khi đó đã cảnh báo giải pháp cho cuộc khủng hoảng tùy thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ: "Chúng tôi hoan nghênh bước đi tích cực đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ đối với việc giảm leo thang căng thẳng gần đây. Tuy nhiên, vẫn còn phải xem đó là một động thái chân thành hay một hành động tạm thời. Tôi cũng xin nhắc lại rằng việc khép lại con đường khủng hoảng và mở ra con đường giải quyết là tùy thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ”.

Tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ không phải là mới, song lại bị đẩy lên cao trào trong những năm gần đây khi người ta phát hiện ra được trữ lượng dầu mỏ và tài nguyên dồi dào tại Đông Địa Trung Hải. Dưới sự thúc đẩy của Đức, nước Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng trước đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán, vốn đã nhiều lần bị trì hoãn kể từ năm 2016.

Tuy nhiên, thời điểm cụ thể cho đàm phán tới nay vẫn chưa được xác định. Cuộc khủng hoảng giữa hai nước đồng minh đã đặt NATO vào thế khó, do sợ mất lòng cả Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh châu Âu.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mới đây đã hối thúc hai nước thiết lập một cơ chế giải tỏa xung đột: “Một cơ chế giải tỏa xung đột có thể giúp tạo ra không gian cho các nỗ lực ngoại giao. Tôi hy vọng và hoàn toàn tin tưởng những tranh chấp cơ bản giữa hai đồng minh có thể được giải quyết hoàn toàn thông qua đàm phán trên tinh thần đoàn kết đồng minh và luật pháp quốc tế”.

Còn đối với Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã là một vấn đề nhạy cảm khi Thổ Nhĩ Kỳ là đóng vai trò quan trọng trong giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư. Tại cuộc gặp Thượng đỉnh diễn ra hồi đầu tháng 10, Liên minh châu Âu đã cảnh báo trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này không chấm dứt các hoạt động thăm dò năng lượng ở những vùng biển thuộc quyền tài phán của Cộng hòa Síp và Hy Lạp. Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích mạnh mẽ cảnh báo nào là “không mang tính xây dựng”. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas dự kiến giữa tuần này (14/10) sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ và vấn đề Đông Địa Trung Hải sẽ là nội dung chính./.