Động thái này của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không những có nguy cơ làm đổ vỡ tiến trình đối thoại hòa bình trong nước, mà còn “dội một gáo nước lạnh” vào cuộc chiến chống IS của Mỹ đang được nhận định là gặt hái được những thành công bước đầu.
Máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ ngày 14/10 tấn công vào các mục tiêu người Kurd tại khu vực đông nam nước này. Theo truyền thông địa phương, không có dân quân người Kurd nào bị thương, nhưng vụ không kích cũng gây thiệt hại đáng kể. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, các vụ không kích nhằm trả đũa cuộc tấn công ba ngày trước đó của nhóm vũ trang người Kurd nhằm vào lực lượng Chính phủ, trong khi nhóm người Kurd cáo buộc Chính phủ vi phạm lệnh ngừng bắn.
Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian qua cũng chứng kiến làn sóng biểu tình của lực lượng người Kurd, nhằm phản đối thái độ “ thờ ơ” của Chính phủ trong việc cứu thành phố Kobani ở miền Bắc Syria - nơi có nhiều người Kurd sinh sống. Các vụ bạo động giữa quân đội Chính phủ và người Kurd tuần trước đã làm ít nhất 35 người thiệt mạng.
Các vụ không kích mới của quân đội có thể "đổ dầu" vào ngọn lửa giận dữ của người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ, làm chệch hướng tiến trình hòa bình đang được thực hiện. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 14/10, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu vẫn khẳng định lập trường của Chính phủ theo đuổi tiến trình đối thoại hòa bình với lực lượng người Kurd.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nói: “Giải pháp cho tiến trình hòa bình tại Thổ Nhĩ Kỳ không thay đổi. Không ai có thể nghi ngờ về quyết tâm của chúng tôi trong tiến trình hòa bình. Tuy nhiên chúng tôi cũng sẽ làm bất cứ điều gì có thể để duy trì an nin trật tự, vì điều này là cơ sở nền tảng cho các cuộc đối thoại hòa bình”.
Không chỉ khiến tình hình trong nước gia tăng căng thẳng, những diễn biến tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang làm phức tạp thêm cuộc chiến chống IS của Mỹ tại Syria và Iraq. Mỹ đang cố gắng thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống IS tại Iraq và đặc biệt Syria.
Bất chấp sức ép từ các đồng minh khác trong NATO, Chính phủ của Thủ tướng Davutoglu vẫn kiên định với lập trường rằng, ưu tiên hàng đầu là loại bỏ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và xem mối đe dọa từ người Kurd lớn hơn IS. Một trong những lí do khiến Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn do dự gia tăng vai trò trong cuộc chiến chống IS của Mỹ là lo ngại điều này sẽ giúp tăng cường sức mạnh của lực lượng người Kurd.
Trong mấy ngày qua, các quan chức Mỹ cũng nhiều lần đề cập đến một thỏa thuận về việc cho phép Mỹ sử dụng căn cứ không quân trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống IS. Tuy nhiên, những diễn biến mới tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm lu mờ triển vọng về việc hai bên đạt được thỏa thuận quan trọng này.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest ngày 14/10 cho biết, Mỹ đang tiếp tục các cuộc thảo luận với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ về vai trò của nước này trong cuộc chiến chống IS: “Trong vài tháng tới, Mỹ sẽ tiếp tục các cuộc tiếp xúc với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, không chỉ hối thúc họ thực hiện các cam kết đã đề ra mà còn thảo luận về việc đưa ra những cam kết mới trong chiến dịch chống IS. Vấn đề các căn cứ quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng được hai bên tiếp tục thảo luận”.
Mỹ ngày 14/10 tuyên bố, các cuộc không kích của liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu đang gặt hái những thành công bước đầu, khi các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria bị chặn tại thị trấn chiến lược Kobani. Với đà lợi thế này, nếu chiến dịch không kích của Mỹ nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ bộ binh Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với việc được sử dụng các căn cứ không quân gần biên giới với Syria, cơ hội ngăn cản bước tiến của IS tại Kobani sẽ thuận lợi hơn.
Không chỉ vậy, chiến dịch chống IS của Mỹ trong thời gian qua cũng dựa nhiều vào sự hỗ trợ của lực lượng người Kurd tại Iraq và Syria. Vì vậy, những mâu thuẫn gia tăng giữa lực lượng người Kurd và Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang đẩy liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu “vào thế khó”./.