Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 9/8 có chuyến thăm chính thức nước Nga. Cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo hai nước được kì vọng sẽ mở ra một chương mới trong mối quan hệ song phương sau những bất đồng liên quan đến vụ máy bay Nga bị bắn hạ gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt tay với Nga cũng đang khiến các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ lo ngại.

Các nhà lãnh đạo phương Tây, trong đó có Mỹ đang theo dõi chặt chẽ diễn biến mối quan hệ giữa Nga-Thổ Nhĩ Kỳ. Mối quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đang dần được cải thiện, 8 tháng sau sự cố máy bay rơi nhờ vào những nỗ lực của cả hai bên. Cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ gần đây cũng đẩy nước này tiến gần hơn với Nga. 

08082016_putin_erdogan_reuters_khak_qmky.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan sẽ có cuộc gặp mặt đáng chờ đợi. (ảnh: Reuters).

Nhiều lãnh đạo phương Tây lên tiếng chỉ trích chiến dịch “thanh lọc” tại Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính, trong khi một số nước còn kêu gọi dừng các cuộc đối thoại về tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ với EU.

Mối quan hệ giữa hai đồng minh Mỹ-Thổ cũng bước vào giai đoạn sóng gió, với cáo buộc của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Mỹ đứng đằng sau cuộc đảo chính.

Chính vì vậy, việc Tổng thống Erdogan quyết định thăm Nga vào thời điểm này có thể là thông điệp của Thổ Nhĩ Kỳ gửi các đối tác phương Tây rằng, nước này có thể có những lựa chọn chiến lược khác.

Nga vốn nhiều lần chỉ trích bước đi của NATO lôi kéo các nước Đông Âu sát biên giới với Nga. Việc hướng sự chú ý của Thổ Nhĩ Kỳ-một thành viên quan trọng trong NATO quay sang hợp tác với Nga, được cho là bước đi chiến lược của Tổng thống Putin.  

Là một quốc gia có vị trí quan trọng trong khu vực, mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ cũng tác động lớn đến việc giải quyết hàng loạt các vấn đề nóng mà phương Tây đang quan tâm hiện nay như cuộc nội chiến Syria, cuộc chiến chống khủng bố và khủng hoảng di cư.

Tuy vậy, giới quan sát cho rằng, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ nói riêng và các nước phương Tây khác nói chung giống như một cuộc hôn nhân không có hồi kết. Cả hai bên đều cần nhau.

Thực tế mối quan hệ này trong quá khứ cũng đã trải qua nhiều sóng gió và căng thẳng hiện nay cũng chỉ là một thử thách mới trong mối quan hệ đồng minh. 

Chính vì vậy, để cứu vãn mối quan hệ có nguy cơ đang đổ vỡ này, nhiều quan chức cấp cao của Mỹ đã tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua để thảo luận biện pháp tháo gỡ bế tắc trong mối quan hệ song phương.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhiều lần xoa dịu lo ngại của các nước phương Tây rằng, chuyến thăm của ông Erdogan tới Saint-Petersburg không phải là dấu hiệu nước thành viên NATO này đang quay lưng lại với phương Tây.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh: “Chúng tôi đã quá mệt mỏi với các luận điệu tuyên truyền như vậy. Thậm chí trước khi có vụ máy bay bắn hạ, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga cũng chưa bao giờ là lựa chọn thay thế mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với EU và NATO”.

Mặc dù vậy, cũng không thể phủ nhận những lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ khi mối quan hệ với Nga được cải thiện. Vì điều này có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ đạt được lợi thế trong bàn đàm phán với EU liên quan đến việc gia nhập khối cũng như cơ chế miễn thị thực cho các công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu trước thềm chuyến thăm Nga, Tổng thống Erdogan bày tỏ hi vọng đây sẽ là chuyến thăm lịch sử, một khởi đầu mới mẻ, mở ra một trang mới trong mối quan hệ song phương. Tuy nhiên liệu những bất đồng còn tồn tại giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, có thể chuyển đổi thành mối quan hệ đối tác chiến lược sâu sắc hơn chỉ trong một chuyến thăm hiện vẫn còn là câu hỏi để ngỏ?