Đặc phái viên Mỹ tại Afghanistan James Dobbins ngày 28/02 cho biết nguy cơ trên có thể thành hiện thực nếu các lực lượng Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không tiếp tục có mặt tại Afghanistan.

Ông Dobbins cũng nhấn mạnh rằng: “Mỹ sẵn sàng đợi để ký Hiệp định An ninh song phương với Tổng thống mới của Afghanistan. Nhận định này của Đặc phái viên Mỹ tại Afghanistan cho thấy, Mỹ vẫn hy vọng về một thỏa thuận an ninh với Afghanistan dù sự trì hoãn việc ký thỏa thuận cũng có nghĩa là sẽ có ít binh sĩ Mỹ hiện diện tại quốc gia Trung Á này hơn”.

us_copy.jpg
Binh lính Mỹ làm nhiệm vụ tại Afghanistan (Ảnh AP)

Mặc dù Bộ Quốc phòng Mỹ đang triển khai các kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan, song Nhà Trắng vẫn tiếp tục theo đuổi việc ký Hiệp định An ninh song phương với Afghanistan, cho phép Mỹ duy trì 10.000 binh sỹ tại đây sau lộ trình rút quân vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, Tổng thống sắp mãn nhiệm của Afghanistan Hamid Karzai kiên quyết không ký văn kiện này với lý do phản đối một số quyền ưu tiên đặc biệt dành cho lính Mỹ.

Ông khẳng định sẽ để lại nhiệm vụ này cho người kế nhiệm lên thay ông sau cuộc bầu cử ngày 5/4 tới.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama có vẻ như đã ngả theo hướng sẽ rút toàn bộ binh lính ra khỏi Afghanistan vào cuối năm nay. Tuy nhiên, Nhà Trắng cũng bỏ ngỏ khả năng có thể duy trì một bộ phận lính Mỹ tại Afghanistan nếu Hiệp định An ninh song phương được ký kết để làm nhiệm vụ huấn luyện, cố vấn và hỗ trợ các lực lượng an ninh Afghanistan chống lại sự nổi dậy của lực lượng khủng bố Al-Qeada.

Năm 2011, Mỹ từng rút toàn bộ quân khỏi Iraq do không đạt được một thỏa thuận về an ninh song phương với chính quyền Iraq. Một kịch bản tương tự có thể diễn ra với Afghanistan, làm dấy lên những quan ngại về sự hồi sinh của Taliban và al-Qaeda./.