Một chuyên gia giấu tên thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Nga cho rằng, nguyên nhân trạm vũ trụ liên hành tinh Phobos-Grunt của nước này đã không đạt được độ cao và đường bay cần thiết, buộc phải ở lại trong quỹ đạo gần Trái đất, có thể do nguyên nhân khách quan, vô tình trúng bức xạ từ hệ thống radar của Mỹ.

Theo ý kiến của chuyên gia này, ngay từ những giờ đầu tiên sau khi được khởi động phóng lên quỹ đạo, thiết bị Phobos-Grunt có thể vô tình bị rơi vào khu vực bức xạ mạnh của hệ thống radar của Mỹ, được lắp đặt tại đảo san hô Kwajalein (trên quần đảo Marshall). Hệ thống thiết bị radar này của Mỹ có nhiệm vụ theo dõi quỹ đạo một tiểu hành tinh. Các chuyên gia Nga lưu ý rằng, bức xạ radar có khả năng gây tác động phá hoại cho hệ thống điện tử của Phobos.

tau-Photo.jpg

Tàu Phobos-Grunt khi chưa phóng lên quỹ đạo (Ảnh: AFP)

Trước đó, một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân sự cố thiết bị Phobos-Grunt có thể do trục trặc trong hệ thống tính toán điều khiển, trong khi những chuyên gia khác thuộc lĩnh vực tên lửa vũ trụ lại cho rằng, có thể đã xảy ra chập điện trong hệ thống cung cấp điện. Hiện Uỷ ban điều tra vụ tai nạn thiết bị vũ trụ liên hành tinh Phobos-Grunt đang khẩn trương thu thập dữ liệu để có kết luận về vụ việc vào ngày 26/1.

Thiết bị vũ trụ liên hành Phobos-Grunt được phóng phục vụ cho việc nghiên cứu Sao Hoả, từ sân bay vũ trụ Baikonur của Kazakhstan đêm 8 ngày 9/11/2011. Tuy nhiên, thiết bị này sau đó đã không đạt được độ cao và đường bay cần thiết, buộc phải ở lại trong quỹ đạo gần Trái đất và mất liên lạc với trung tâm điều khiển.

Ngày 15/1 vừa qua, thiết bị này đã rơi xuống khu vực Thái bình dương, cách đảo Venlinton của Chile khoảng 1.250 km. Giá trị của thiết bị này, theo thông tin không chính thức, vào khoảng 5 tỷ rúp/.