Mặc dù nhịp sống bình thường đang dần quay trở lại, tuy nhiên với diễn biến khó lường của dịch bệnh cùng với sự xuất hiện của nhiều biến thể mới của SARS-CoV-2, các chuyên gia nhận định, thế giới cần thận trọng và tiếp tục thực hiện các biện pháp để phòng tránh dịch bùng phát.
Theo thống kê, Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với hơn 82 triệu ca mắc và trên 1 triệu ca tử vong; tiếp đến là Ấn Độ, Brazil… Hiện làn sóng siêu lây nhiễm do biến thể Omicron gây ra đã đạt đỉnh tại nhiều quốc gia và nhịp sống bình thường đang dần quay trở lại. Tuy nhiên, với diễn biến khó lường của dịch bệnh cùng với sự xuất hiện của nhiều biến thể mới của SARS-CoV-2, các chuyên gia cho rằng, không có gì là chắc chắn trong “kỷ nguyên SARS-CoV-2”. Theo đó, tại Mỹ số ca nhiễm đang có dấu hiệu gia tăng trở lại với hơn 30.700 ca nhiễm/ngày, trong đó tăng cao ở thủ đô Washington, New York và vùng Đông Bắc.
Ngoài ra, với sự xuất hiện của nhiều loại biến thể, nhiều trường hợp đã mắc lại Covid-19 trong thời gian ngắn sau khi khỏi bệnh cho dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19. Dữ liệu y tế công cộng của Canada cho biết, khoảng 10% người nhiễm biến thể phụ BA.2 của Omicron đã từng mắc Covid-19. Điều này phù hợp với các nghiên cứu gần đây ở Anh cho thấy có khoảng 10% số ca bị nhiễm lại virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định có những cơ sở để dự đoán mọi sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 trong thời gian tới có khả năng sẽ ít gây thiệt hại hơn so với những làn sóng trước đó. Sự kết hợp giữa vaccine, mũi tiêm nhắc lại và phương pháp điều trị mới đồng nghĩa ngay cả khi số ca bệnh tăng lên, số ca nhập viện và tử vong được kỳ vọng sẽ không tăng quá mức.
Giáo sư Peter Hotez tại trường Đại học Y Baylor của Mỹ nói: “Thật không may, tại châu Âu biến thể BA.2 đang thống trị ở Tây Âu, đặc biệt là tại Anh nhưng lại không như vậy tại các nơi khác. Nói cách khác, câu chuyện không đơn giản như với các biến thể trước đây là Alpha, Delta và Omicron. Biến thể BA.2 đang dần chiếm ưu thế tại Mỹ nhưng chưa chắc đã gây ra làn sóng Covid-19 hung hãn như trong quá khứ”.
Trước sự xuất hiện của nhiều loại biến thể mới, Tổ chức Y tế thế giới khuyên rằng, các nước nên tiếp tục tăng cường lập kế hoạch ứng phó với các đợt bùng phát và các đột biến của SARS-CoV-2, đồng thời sẵn sàng ứng phó với bất kỳ đại dịch nào trong tương lai. Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các nước tiếp tục tăng tỷ lệ bao phủ vaccine, nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe, duy trì các biện pháp y tế cộng đồng; bảo đảm cân bằng giữa kiểm soát dịch bệnh và phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội để trở lại trạng thái bình thường mới./.