Đây là một sự kiện đáng chú ý trong cuộc chiến chống đại dịch của toàn cầu. Thêm vào đó, khoảng 190 nền kinh tế tham gia vào Cơ chế Tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX dự kiến cũng sẽ tiếp cận được vaccine Covid-19 trong 6 tháng đầu năm 2021.
Trong một thông báo, Giám đốc Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) ông Stephen Hahn cho biết, việc cấp phép cho hai loại vaccine ngừa Covid-19 của Moderna và của Pfizer/BioNTech là một bước quan trọng trong cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu.
Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ đánh giá vaccine tiêm 2 liều của Moderna phòng ngừa Covid-19 rất hiệu quả. Cơ quan này cũng không đưa ra bất kỳ quan ngại nào về vấn đề an toàn trong việc sử dụng vaccine này đối với người trên 18 tuổi. Với quyết định cấp phép, khoảng 6 triệu vaccine đầu tiên của Moderna sẽ sớm được chuyển đến các địa phương của Mỹ để tiêm chủng cho người dân.
Hiện Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã đặt mua 160 triệu liều vaccine của Moderna. Dự kiến, lô vaccine của Moderna đầu tiên sẽ được chuyển đến các nước châu Âu vào đầu năm 2021, sau khi được cấp phép lưu hành.
Cũng trong ngày hôm qua (18/12), đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác cho biết, Cơ chế Tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX – một sáng kiến được xây dựng nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vaccine phòng bệnh Covid-19, đã tiếp cận được gần 2 tỷ liều vaccine, cao gấp đôi so với khả năng cung ứng của chương trình này.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, “ánh sáng cuối đường hầm đang sáng hơn chút ít”:“WHO và các đối tác xin thông báo, chúng tôi đã đạt được các thỏa thuận để tiếp cận 2 tỷ liều của một số ứng cử viên vaccine triển vọng. Những thỏa thuận chưa từng có này có nghĩa là tất cả 190 quốc gia và nền kinh tế tham gia COVAX sẽ có thể tiếp cận với vắc xin để bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương trong cộng đồng của họ trong nửa đầu năm tới”.
Lô vaccine của Cơ chế COVAX dự kiến sẽ được phân phối vào Quý I /2021. Tuy nhiên, việc các nước tiếp nhận còn phụ thuộc vào việc phê chuẩn và khả năng sẵn sàng phân phối vaccine của mỗi nước.
Thế giới đang đón nhận liên tiếp những thông tin tích cực từ cuộc đua phát triển vaccine Covid-19. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trong bối cảnh mùa đông hiện nay vẫn chuyển biến phức tạp, buộc các nước phải thắt chặt các biện pháp phòng bệnh hơn nữa.
Hôm qua (18/12), Chính phủ Thụy Điển đã công bố các biện pháp chống dịch mạnh mẽ nhất từ trước nay, trong đó có đề nghị người dân đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng và đóng cửa các địa điểm không cần thiết như phòng tập, bể bơi hay thư viện, tới ngày 24/1.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cùng ngày cũng đã công bố các biện pháp siết chặt hơn nữa hoạt động đi lại dịp nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới. Theo sắc lệnh mới, từ ngày 24/12 đến 6/1/2021, Italy sẽ đặt trong tình trạng là “vùng đỏ” vào các ngày lễ và ngày liền kề trước đó. Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà vì lý do công việc, vấn đề cấp thiết và sức khỏe; và chỉ được tiếp đón tối đa 2 người không sống chung cùng và trẻ em dưới 14 tuổi. Các quán bar, nhà hàng đóng cửa; các siêu thị, cửa hàng tạp hóa, nhu yếu phẩm, hiệu thuốc, cửa hàng cắt tóc vẫn tiếp tục hoạt động. Trong các ngày làm việc (28-30/12 và 4/1), Italy sẽ trở thành “vùng cam”, theo đó người dân được phép tự do đi lại trong thành phố nơi cư trú. Các quán bar, nhà hàng đóng cửa, ngoại trừ hoạt động giao hàng tận nhà hoặc mang về. Các cửa hàng sẽ mở cửa đến 21h.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson hy vọng vùng England sẽ không phải thực hiện phong tỏa lần thứ 3 sau dịp nghỉ lễ Giáng sinh. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý thực tế là tỷ lệ lây nhiễm đã tăng rất nhanh trong vài tuần trở lại đây./.