Tình hình trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu sau những động thái “đáp trả” liên tiếp giữa một bên là Mỹ và Hàn Quốc và một bên là CHDCND Triều Tiên. Điều này khiến dư luận thế giới không khỏi quan ngại.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 4/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã kêu gọi CHDCND Triều Tiên tuân thủ các quy định của cộng đồng quốc tế, nếu CHDCND Triều Tiên muốn có sự thay đổi tích cực trên bân đảo Triều Tiên.
“CHDCND Triều Tiên cần biết sẽ phải làm gì nếu muốn có sự thay đổi tích cực. Nếu CHDCND Triều Tiên muốn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cả về mặt kinh tế để hỗ trợ người dân thì CHDCND Triều Tiên cần tuân thủ các quy định của cộng đồng quốc tế”- bà Victoria Nuland nói.
Người dân và quân đội Triều Tiên tham dự một cuộc mít tinh ủng hộ quyết định của nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh:KCNA/Reuters) |
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Mỹ trước đó cho biết sẽ sớm đưa hệ thống phòng thủ tên lửa tới đảo Guam ở Thái Bình Dương trong vài tuần tới nhằm đối phó với CHDCND Triều Tiên, sau khi có thông tin Triều Tiên đã di chuyển một quả tên lửa tầm trung tới bờ biển phía Đông nước này. Quyết định triển khai khẩu đội tên lửa tới đảo Guam cho thấy, Mỹ tin rằng những lời đe dọa và hành động gần đây của Triều Tiên là “mối đe dọa thực sự và rõ ràng” đối với Mỹ cũng như các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trước đó, trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, Liên minh châu Âu cũng đã kêu gọi Triều Tiên ngừng các động thái làm gia tăng căng thẳng cũng như quay lại bàn đàm phán 6 bên với cộng đồng quốc tế. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu bà Catherine Ashton bày tỏ “lấy làm tiếc” khi Bình Nhưỡng công bố quyết định tái khởi động hoạt động của cơ sở hạt nhân Yongbyon, đã đóng cửa từ tháng 10/2007 theo một thỏa thuận trên bàn đàm phán 6 bên gồm: Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên. Bà Catherine Ashton kêu gọi Triều Tiên “thể hiện cam kết đối với việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, đồng thời hối thúc Bình Nhưỡng “lựa chọn con đường mang tính xây dựng”.
Còn Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 4/4 cũng một lần nữa nhấn mạnh rằng, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang đi quá xa. Ông cũng đồng thời cảnh báo bất cứ sự tính toán sai lầm nào cũng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trên bán đảo Triều Tiên.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nói: “Những lời đe dọa về hạt nhân không phải là một trò chơi mà nó rất nguy hiểm. Theo tôi, CHDCND Triều Tiên đã đi quá xa. Tôi cho rằng, bất cứ sự đánh giá sai lầm, hay tính toán tình huống sai lầm nào hoặc một cuộc khủng hoảng mà chúng ta không ngờ tới sẽ xảy ra trên bán đảo Triều Tiên thì đều gây ra những hậu quả nghiêm trọng”.
Tại cuộc họp báo hôm qua ở thủ đô Moscow, Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cũng đã nhấn mạnh rằng: vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên chỉ có thể được giải quyết trong khuôn khổ đàm phán 6 bên, gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, là nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Nga coi việc Triều Tiên không tuân thủ các nghị quyết về không phổ biến vũ khí hạt nhân là điều không thể chấp nhận được.
Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên kể từ khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần ba hôm 12/2 vừa qua để đáp trả các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn và các lệnh trừng phạt mới mà LHQ vừa áp đặt đối với nước này./.