Mối đe dọa từ nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) là rất rõ ràng và đặc biệt nguy hiểm hơn là nó kéo theo sự trỗi dậy của hàng loạt nhóm phiến quân tại các nước trong khu vực. Một liên minh khủng bố mới xuất hiện sẽ trở thành một viễn cảnh tồi tệ đe dọa cộng đồng thế giới.  

Bất chấp việc Liên minh chống khủng bố do Mỹ khởi xướng tiếp tục được củng cố mạnh mẽ, với các thành viên mới nhất sẵn sàng tham chiến là Australia và có thể là Thổ Nhĩ Kỳ, Nhà nước Hồi giáo vẫn không ngừng mở rộng hoạt động và tấn công đánh chiếm tại Iraq và Syria.

li_syria_fighters_rtr2wytv_mibc.jpgMột nhóm khủng bố tại Syria (Ảnh CBC News)

Theo các nhà quan sát, chiến dịch oanh kích của liên minh chống khủng bố đang phần nào cản bước tiến của Nhà nước Hồi giáo. Nhưng mối lo ngại hơn cả là chính các cuộc không kích này lại đang kích thích để các nhóm vũ trang khác trong khu vực trỗi dậy.

Ngày 5/10, lực lượng phiến quân Taliban tại Pakistan đã tuyên bố sẽ ủng hộ Nhà nước Hồi giáo. Tuyên bố của thủ lĩnh Taliban Mullah Fazlullah khẳng định hỗ trợ mọi thứ có thể cho Nhà nước Hồi giáo trong bối cảnh chiến dịch không kích chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu cũng đang được đẩy mạnh tại Iraq và Syria nhằm vào các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo.

Giới phân tích lo ngại về khả năng liên minh giữa Taliban tại Pakistan và Nhà nước Hồi giáo, sẽ trở thành một mối đe dọa mới với cộng đồng quốc tế. Các nhà phân tích cho rằng, một khi liên minh này được thành lập, Nhà nước Hồi giáo sẽ có mặt tại cả Pakistan và Afghanistan.

Các đoạn video hành quyết tàn bạo xuất hiện ngày càng nhiều và tương đồng với hành động man rợ mà Nhà nước Hồi giáo thực hiện với các con tin người Mỹ và Anh vừa qua.

Ngày 5/10, nhóm thánh chiến tại Ai Cập Ansar Beit al-Maqdis đã tung ra một đoạn video chiếu cảnh hành quyết 4 người bị cáo buộc làm gián điệp cho quân đội Ai Cập và cơ quan tình báo Israel Mossad.

Trước đó, hôm 28/8, nhóm vũ trang tàn bạo nhất có căn cứ ở khu vực Sinai của Ai Cập, đã tung ra một đoạn video tương tự. Nhóm này tuyên bố hậu thuẫn nhóm Nhà nước Hồi giáo, song không chính thức cam kết sẽ trung thành. Cuối tháng 9, một du khách người Pháp bị giết hại tại Algeria bởi nhóm phiến quân thề trung thành với Nhà nước Hồi giáo.

Trước thách thức an ninh từ sự phát triển mạnh mẽ và sự tàn bạo của các nhóm khủng bố, Mỹ và các nước tiếp tục cam kết tiêu diệt đến cùng chủ nghĩa khủng bố. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và các nước trong khu vực quyết đoán hơn để đối phó với hàng loạt nhóm khủng bố như al-Qaeda, Mặt trận al Nusra cũng như Nhà nước Hồi giáo.

Ông Biden nói: “Hiện chúng ta có một liên minh, nhưng chúng ta sẽ đi trên một con đường dài để chống khủng bố. Chúng tôi sẽ không thể chiến thắng nếu chiến đầu một mình và Mỹ sẽ không đưa lực lượng mặt đất trở lại Arập hay Trung Đông”.

Thực tế đã cho thấy “tác dụng phụ” của chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu, nhằm tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria. Với Thổ Nhĩ Kỳ, dù Quốc hội đã bật đèn xanh cho việc đưa quân tới Iraq và Syria, cũng như cho phép lực lượng nước ngoài sử dụng các căn cứ quân sự của nước này cho cuộc chiến chống khủng bố, thì Tổng thống Tayyip Erdogan vẫn đang lưỡng lự.

Dù Nhà nước Hồi giáo tại Syria đã tiến tới ngay sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, song sự chần chừ của ông Erdogan cho thấy lo ngại về việc các tay súng vũ trang Đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn đã đòi tách khỏi Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt 3 thập kỷ qua, sẽ mạnh lên và trở lại thành mối đe dọa với nước này. Tại Iraq, các vụ đánh bom liều chết đã gia tăng ở thủ đô Baghdad kể từ khi Mỹ bắt đầu tấn công.

Nhà nước Hồi giáo tự xưng ngày 3/10 cũng đã bắn rơi một máy bay chiến đấu Mi-35 của quân đội Iraq ở miền Bắc nước này, làm 2 phi công  thiệt mạng. Theo các nguồn tin, chiến đấu cơ của Iraq bị hạ bởi 1 quả rocket cho thấy lực lượng cực đoan có khả năng đối phó với chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu.

Cũng trong đầu tháng 10 này, giới chức tại Philippines đã cảnh báo về nguy cơ trỗi dậy của các nhóm Hồi giáo cực đoan theo hình mẫu Nhà nước Hồi giáo tự xưng, đang trở thành mối đe dọa an ninh cho cả khu vực./.