Truyền thông Indonesia ngày 13/10 cho biết, báo cáo mới về "Chỉ số rủi ro của thế giới đối với các thảm họa" cảnh báo rằng rủi ro từ thảm họa thiên tai đang ngày một tăng do biến đổi khí hậu mà bắt nguồn chính từ việc môi trường tự nhiên bị xâm hại.

Báo cáo này là công trình hợp tác của Liên minh Đức vì hoạt động phát triển (GADW), Viện Môi trường, an ninh con người, bảo tồn tự nhiên của Đại học Liên Hợp Quốc được công bố nhân "Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai 11/10" vừa qua. Theo báo cáo, nhóm 15 quốc gia có nguy cơ cao nhất đều nằm ở các vùng nhiệt đới và ven biển, nơi môi trường sống ven biển như các bãi đá ngầm và rừng ngập mặn có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống của người dân. Chẳng hạn như các bãi đá ngầm có thể giảm tới 85% năng lượng sóng đánh vào bờ biển. Theo nhận xét của các quan chức phụ trách chương trình phòng chống thảm họa thiên tai Indonesia, khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia, là nơi tập trung đông người nhất có nguy cơ hứng chịu rủi ro bởi sinh sống ở độ cao thấp so với mực nước biển và các bãi đá ngầm khu vực cũng bị đe dọa nhiều nhất.

Những quốc gia có đông người nhất trong nhóm rủi ro bị giảm thiểu lợi ích từ các bãi đá ngầm (những người sinh sống ở độ cao dưới 10m và trong phạm vi 50km của các bãi đá ngầm) là Indonesia và Ấn Độ với hơn 35 triệu người mỗi nước trong nhóm nguy hiểm. Tiếp đến là Philippines với hơn 20 triệu người, Trung Quốc với hơn 15 triệu người trong khi Brazil, Việt Nam và Mỹ có hơn 7 triệu người trong nhóm nguy hiểm ở mỗi nước. Báo cáo trên còn lưu ý tình trạng gia tăng đáng báo động các thảm họa tự nhiên và thiệt hại do chúng gây ra. Trong vòng 10 năm, từ 2002 đến 2011, đã xảy ra 4.130 thiên tai trên toàn thế giới, cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người và gây tổn thất kinh tế ít nhất là 1.195 tỷ USD./.